Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao chiến dịch không kích IS chưa hiệu quả?

Các chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo cần đến lực lượng mặt đất mới có thể ngăn chặn sự bành trướng của IS.

a
Những quả bom, tên lửa phóng đi từ các máy bay, tàu chiến Mỹ có thể chỉ phá hủy các căn cứ trống rỗng của IS. Ảnh: Bellenews

Sự bành trướng cùng tội ác của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang trở thành vấn đề nhức nhối của thế giới. Tổ chức khủng bố này đánh chiếm một vùng rộng lớn ở Iraq và Syria. Chúng liên tiếp gây ra những tội ác đối với nhân loại, từ chặt đầu cho đến thiêu sống các con tin nước ngoài khiến thế giới căm phẫn.

Cbs News đưa tin, ngày 8/8/2014, liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến hành các chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS ở Iraq. Đến ngày 23/9/2014, Mỹ tiếp tục mở màn chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS ở Syria. Hơn 6 tháng trôi qua song chiến dịch không kích vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Chỉ giải quyết phần ngọn

Các chiến
Các chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh của IS. Ảnh: Ibtimes

Mục tiêu của các chiến dịch không kích nhắm vào các trại huấn luyện, trung tâm chỉ huy, kho tàng hoặc các căn cứ của IS. Để tiến hành các chiến dịch này, lực lượng tình báo Mỹ sẽ nắm thông tin về các căn cứ của phiến quân sau đó cung cấp cho các đơn vị quân đội. Hải quân và Không quân Mỹ cũng như các nước trong liên minh sẽ dựa vào thông tin đó để tấn công.

Những đợt không kích đầu tiên tỏ ra khá hiệu quả trong việc tiêu diệt các mục tiêu của IS. Tuy nhiên, hiệu quả của các chiến dịch không kích ngày càng giảm, IS đã có những chiến thuật mới để đối phó với các đợt không kích. Phiến quân có thể tạo ra các mục tiêu giả để thu hút hỏa lực từ các máy bay Mỹ. Các căn cứ chính của IS có thể ngụy trang và che giấu ở những địa điểm khác.

CNS News dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain cho biết: “Bạn thấy những hình ảnh với các tòa nhà nổ tung nhưng hầu hết trong đó trống rỗng”. Thông tin tình báo có thể chính xác nhưng khi mục tiêu đầu tiên bị không kích, nó đã cảnh báo cho các phiến quân ở những mục tiêu khác thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Các tay súng IS có thể lẩn trốn trong các khu dân cư mà chúng chiếm đóng càng làm cho mục tiêu không kích ở trên khó khăn hơn.

Khí tài mà liên quân sử dụng phần lớn là vũ khí dẫn đường công nghệ cao với chi phí rất đắt đỏ. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ FAS, đơn giá mỗi quả tên lửa Tomahawk dao động từ 500.000-1.400.000 USD. Mỗi quả bom thông minh JDAM rẻ nhất cũng 25.000 USD.

Các chỉ huy lực lượng liên quân phải cân nhắc khá kỹ trước khi quyết định lựa chọn mục tiêu. Những vũ khí đắt đỏ như vậy không thể sử dụng để tấn công các mục tiêu kém giá trị. Bài toán chi phí -hiệu quả luôn là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chiến lược quân sự.

Tổng thống Syria Bashar Assad từng nói trong cuộc phỏng vấn của tạp chí Paris Match rằng: “Bạn không thể chấm dứt mối đe dọa khủng bố chỉ với các cuộc không kích. Đó là lý do tại sao không có bất kỳ hiệu quả cụ thể nào sau nhiều tháng không kích của liên minh”.

Rõ ràng các chiến dịch không kích chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không thể tiêu diệt IS. Các chiến dịch này mới chỉ dừng lại ở mức độ bẻ gãy “các vòi bạch tuộc” của IS cố gắng vươn ra trong khu vực. Mỗi lần xuất kích, các phi công được giao nhiệm vụ tấn công vào một vài mục tiêu cụ thể và quay về. Khi máy bay rút đi, IS có thể tổ chức lại lực lượng và tiếp tục gây tội ác.

Theo các số liệu từ Lầu Năm Góc, các đợt không kích từ tháng 8/2014 đã tiêu diệt khoảng 6.000 tay súng IS. Tuy nhiên, tổ chức này đang tuyển khoảng 1.000 tay súng/tháng. Tình báo Mỹ nhận định, IS có khoảng 20.000 quân. Nếu chỉ dựa vào các cuộc không kích là không đủ để vô hiệu hóa tổ chức khủng bố nguy hiểm này.

Cái giá Mỹ phải trả để tiêu diệt IS

Mỹ đang dẫn đầu liên minh không kích lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria nhưng Lầu Năm Góc cho rằng cần đào tạo 15.000 tay súng ở Syria để chống lại IS.

Không thể thiếu lực lượng mặt đất

a
Lực lượng mặt đất là chìa khóa cuối cùng để xóa sổ sự tồn tại của IS. Ảnh: Stripes

Về bản chất, các chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao, vô hiệu hóa hoặc làm mất khả năng chiến đấu tức thời của một lực lượng quân sự nào đó dọn đường cho cuộc tấn công của lực lượng mặt đất. Trong quá trình lực lượng mặt đất tiến hành tấn công, không quân sẽ làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực, vô hiệu hóa các đợt phản công của đối phương tạo lợi thế chiến thuật cho lực lượng mặt đất.

Mục tiêu của các chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu là tạo sự hỗ trợ cho quân đội Iraq và các lực lượng khác chống lại IS. Tuy nhiên, quân đội Iraq lại tỏ ra non nớt so với IS. Nhóm chiến binh người Kurd ở Syria là một đơn vị thiện chiến nhưng họ không đủ lực lượng để khuất phục IS.

Để tiêu diệt mối đe dọa từ IS, bên cạnh các chiến dịch không kích cần có một lực lượng mặt đất đủ mạnh để quét sạch các hang ổ của tổ chức này. Các quốc gia trên thế giới cần nỗ lực hơn nữa, đóng góp kinh phí và lực lượng trong một chiến dịch tổng phản công chống lại IS.

Trong bài phát biểu với truyền thông, Thượng nghị sĩ John McCain đã đề cập đến vai trò của lực lượng mặt đất quân đội Mỹ. Ông nói: “Tổng thống Obama đã loại trừ khả năng triển khai lực lượng mặt đất nhưng cuối cùng ông ấy sẽ phải làm điều đó. Nó chỉ là vấn đề thời gian”. 

 

Cuộc đời vì người khác của nữ con tin Mỹ trong tay IS

Cô gái 26 tuổi Kayla Mueller từng nhiều năm sống và làm công việc hỗ trợ nhân đạo tại Ấn Độ, Palestine và Israel trước khi bị bắt cóc ở Syria năm 2013.

 

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm