Những tay súng thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: RT |
Tháng 9/2014, sau khi Tổng thống Mỹ phát động chiến dịch không kích tiêu diệt các mục tiêu IS, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhận định IS có "khoảng 20.000 đến 31.500 chiến binh hoạt động rải rác ở Syria và Iraq". Theo trang Al Arabiya, CIA đưa ra nhận định này dựa trên các báo cáo tình báo từ tháng 5 đến tháng 8/2014.
Ba tháng sau, vào ngày 10/12, trang Itar-Tass dẫn lời Tổng tham mưu trưởng nước Nga, Tướng Valery Gerasimov, nêu con số gấp đôi. "Theo tính toán của chúng tôi, Nhà nước Hồi giáo đang có khoảng 70.000 tay súng từ nhiều quốc tịch đang chiến đấu ở Syria và Iraq", tướng Gerasimov nói tại cuộc họp với tùy viên quân sự các nước.
Tuy nhiên, ông Fuad Hussein, chánh văn phòng của một thủ lĩnh khu vực người Kurd tại Iraq, khi trả lời trên báo Independent (Anh) cho rằng những tính toán trên đều thấp hơn nhiều so với thực tế. Theo ông, lực lượng của IS có thể đến 200.000 phiến quân. "Tôi đưa ra con số vào hàng trăm nghìn, vì IS có khả năng huy động những thanh niên Arab tại các vùng mà chúng chiếm đóng", ông Fuad Hussein nói.
Theo vị này, IS đang kiểm soát tới 1/3 lãnh thổ Iraq và Syria, dân số khoảng 10 triệu người, do vậy đây là vùng đất tiềm năng để IS tuyển quân. Ông Fuad nhấn mạnh, bằng chứng mà IS đang xây dựng đội quân rất nhanh là chúng đã tấn công dồn dập người Kurd ở miền bắc Iraq và quân đội Iraq gần với thủ đô Baghdad, cùng lúc đó chiến đấu ở Kobane, Syria.
Không chỉ quy tụ các chiến binh người Hồi giáo, điều khiến giới chức phương Tây lo lắng nhất là khả năng chiêu mộ công dân gia nhập phiến quân của IS. Hãng AFP ngày 10/2/2015 dẫn báo cáo của Trung tâm phòng chống khủng bố Mỹ (NCTC) cho biết số lượng người nước ngoài kéo về Syria để gia nhập IS đang tăng nhanh "chưa từng có". Cơ quan này ước tính hơn 20.000 người từ hơn 90 quốc gia muốn trở thành phiến quân của IS.
"Dù chúng tôi không có con số chính xác, nhưng điều này thể hiện xu hướng rõ ràng và rất đáng lo ngại. Những người đến Syria ngày nay còn vượt xa những người từng đến Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen hay Somalia trong 20 năm trước", ông Nicholas Rasmussen, giám đốc NCTC, cho biết.
Theo ông Rasmussen, nhiều phần tử muốn gia nhập IS "vì chiến trường ở Iraq và Syria sẽ cung cấp cho họ cơ hội và kinh nghiệm chiến đấu, tập huấn sử dụng vũ khí, tiếp cận các mạng lưới khủng bố, để từ đó lên kế hoạch tấn công các mục tiêu phương Tây".
Tuy nhiên, cùng với xu hướng gia tăng, phiến quân IS cũng chứng kiến cuộc nổi loạn và đào ngũ của các phiến quân từ bên trong. Theo các nhà hoạt động chống IS thuộc tổ chức "Raqqa đang bị giết chết trong im lặng" (RIBSS), nhóm Hồi giáo cực đoan đã chứng kiến cảnh hàng chục kẻ đánh bom liều chết chạy trốn hoặc gia nhập các nhóm khác. IS buộc phải chặn các ngả đường và siết chặt an ninh tại các chốt kiểm soát nhằm ngăn chặn việc những kẻ đánh bom liều chết chối bỏ nhiệm vụ.
Thông tin IS thiếu kẻ đánh bom liều chết xuất hiện sau khi nhóm này thừa nhận thất bại trong trận chiến quan trọng ở thị trấn Kobane, miền bắc Syria.