"Sau khi cân nhắc những động thái và tuyên bố vừa qua từ Mỹ và ba cường quốc châu Âu, Iran nhận thấy bây giờ chưa phải lúc thích hợp để gặp mặt không chính thức giữa các bên", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói, theo Reuters.
Chính quyền Biden bày tỏ thất vọng với tuyên bố của Tehran, theo CNN.
Dẫu vậy, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Mỹ vẫn mong muốn đạt được mục tiêu "cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận" với Iran.
Washington sẽ tham vấn các bên còn lại trong thỏa thuận, gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, về hướng đi sắp tới.
Trước đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Joseph Borrell đã đề xuất một cuộc gặp không chính thức giữa Iran với Mỹ và các nước từng ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong cuộc họp với tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 21/2. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Biden từng tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại với Tehran về viễn cảnh khôi phục tuân thủ thỏa thuận.
Tuy nhiên, Washington và Iran chưa đạt được nhất trí rằng bên nào cần chủ động hòa giải.
Iran kiên quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ mọi cấm vận đơn phương, vốn được khôi phục và tăng cường sau khi cựu Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018.
Trong khi đó, Washington muốn Tehran chủ động tái tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm không phát triển vật liệu và công nghệ có khả năng dùng cho vũ khí hạt nhân.
Trả lời Reuters, một nguồn tin cấp cao trong chính phủ Mỹ nhận định lời từ chối của Tehran chỉ là một phần tiến trình ngoại giao. Dù phía Iran từ chối gặp mặt không chính thức, nước này có thể vẫn cởi mở với những ý tưởng và mô hình đối thoại khác.