Iran ngày 11/4 đã mô tả như vậy về sự cố mất điện tại cơ sở nguyên tử dưới lòng đất Natanz. Sự kiện làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh nước này và các cường quốc tiếp tục đàm phán về thỏa thuận hạt nhân đã bị đổ vỡ của Iran, theo AP.
Các nghi ngờ hiện đang hướng về khả năng Israel tấn công mạng, vốn được cho là "dàn dựng" để gây ra sự cố mất điện.
Một cơ sở làm giàu uranium của Iran. Ảnh: AP. |
Căng thẳng với Israel
Nếu Israel thực hiện vụ việc, căng thẳng giữa hai quốc gia sẽ càng leo thang. Hai nước vốn đã đứng sau một loạt các cuộc đối đầu ở Trung Đông trong thời gian dài.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng ngày tuyên bố sẽ làm mọi cách để ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân.
Hiện có ít thông tin về sự cố tại cơ sở hạt nhân Natanz. Theo mô tả, tình trạng mất điện xảy ra tại các phân xưởng trên mặt đất và khu vực làm giàu uranium dưới lòng đất.
Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran và cựu ngoại trưởng Iran, đưa ra chỉ trích kịch liệt nhất nhắm vào Israel, và nhắc lại vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân mười năm trước.
Ông cam kết "cải tiến nghiêm túc" công nghệ hạt nhân của Iran và nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Các bình luận của Salehi với đài truyền hình nhà nước không giải thích những gì đã xảy ra tại Natanz.
“Trong khi lên án động thái tuyệt vọng này, Cộng hòa Hồi giáo Iran nhấn mạnh sự cần thiết với sự tham gia của các cơ quan quốc tế (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA) nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân”, ông Salehi nói.
IAEA, cơ quan của Liên Hợp Quốc giám sát chương trình nguyên tử của Tehran, nói họ đã biết về vụ việc ở Natanz và tiến hành trao đổi với các quan chức Iran. IAEA không nói chi tiết thêm.
Trong quá khứ, Natanz từng là mục tiêu của nhiều hành động phá hoại. Năm 2010, virus máy tính Stuxnet, được cho là sản phẩm của Mỹ và Israel, đã làm gián đoạn và phá hủy các máy ly tâm của Iran tại Natanz, trong bối cảnh phương Tây lo ngại về chương trình của Tehran khi đó.
Vào tháng 7, xảy ra thêm một vụ nổ không rõ nguyên nhân tại nhà máy lắp ráp máy ly tâm ở Natanz. Vụ việc được các nhà chức trách mô tả là một vụ phá hoại. Cơ sở mới được Iran xây dựng lại sâu bên trong một ngọn núi gần đó. Nước này cũng đổ lỗi cho Israel về vụ giết hại một nhà khoa học vào tháng 11, người đã bắt đầu chương trình hạt nhân quân sự Iran nhiều thập kỷ trước đó.
Các hãng truyền thông Israel nói cuộc tấn công mạng của nước này đã gây ra mất điện ở Natanz. Tổ chức tình báo Mossad được cho là đứng sau cuộc tấn công, theo đài truyền hình Kan.
Ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở Natanz của Isarel hôm 7/4. Ảnh: Planet Labs. |
Ảnh hưởng nặng tới cơ sở Natanz
Chuyên gia ước tính cuộc tấn công buộc toàn bộ cơ sở phải đóng cửa, theo Channel 12 TV. Mặc dù các bản tin không nêu nguồn cung cấp thông tin nào, nhưng truyền thông Israel có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội và các cơ quan tình báo nước này.
Yoel Guzansky, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia của Tel Aviv, cho biết: "Thật khó để nghĩ rằng sự cố là một sự trùng hợp". Vụ việc này cũng gửi một thông điệp rằng địa điểm hạt nhân quan trọng nhất của Iran cũng " có thể bị xâm nhập", ông nói thêm.
Ngày 11/4, ngay trước Ngày Độc lập của Israel, Thủ tướng Netanyahu đã chúc mừng lãnh đạo an ninh của mình, trong đó có người đứng đầu Mossad, ông Yossi Cohen.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: VOA. |
Israel thường không thảo luận về các hoạt động do cơ quan tình báo Mossad hay các đơn vị đặc nhiệm. Gần đây, ông Netanyahu liên tục mô tả Iran là mối đe dọa lớn đối với đất nước trong bối cảnh ông đang vật lộn để nắm giữ quyền lực giữa các cáo buộc tham nhũng.
Phát biểu tại sự kiện ngày 11/4, ông Netanyahu kêu gọi các giám đốc an ninh của mình "tiếp tục theo hướng này, giữ thanh kiếm của David trong tay" - đề cập đến sức mạnh của người Do Thái.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, Tehran đã gạt bỏ mọi giới hạn về kho dự trữ uranium của mình.
Hiện tại, kho này có độ tinh khiết lên tới 20%, cấp độ vũ khí là 90%. Iran cho biết nước này duy trì chương trình nguyên tử là vì mục đích hòa bình.
Thỏa thuận hạt nhân đã cho phép Tehran giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc đảm bảo kho dự trữ của nước này không bao giờ phình to đến mức Iran có sản xuất được bom nguyên tử nếu họ muốn.
Ngày 5/4, một tàu chở hàng Iran, được cho là căn cứ của lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran ngoài khơi bờ biển Yemen, đã bị tấn công bởi một vụ nổ có thể gây ra từ quả mìn limpet.
Iran cũng đã đổ lỗi cho Israel về vụ nổ. Cuộc tấn công đó đã làm dấy lên căng thẳng trong mối quan hệ sứt mẻ của hai bên, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hải trong khu vực trên tuyến đường thủy ở Trung Đông.