Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh hôm 3/4 cho biết nước này phản đối mọi kế hoạch từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, theo đài truyền hình quốc gia Press TV.
“Chúng tôi không xem xét bất kỳ kế hoạch từng bước nào”, ông Khatibzadeh tuyên bố. “Chính sách nhất quán của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran là Mỹ phải dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt”.
Trước đó một ngày (2/4), giới chức Iran và Mỹ đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp ở Vienna, Áo.
Các cuộc đàm phán lần này được kỳ vọng sẽ đem về một thỏa thuận trong vòng 2 tháng, theo một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) kiêm điều phối viên của thỏa thuận.
Một người biểu tình cầm quốc kỳ của Mỹ và Iran. Ảnh: Getty. |
Động thái này diễn ra gần 3 năm sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Năm 2018, ông Trump tái áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, khiến Tehran vi phạm một số quy định hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn khôi phục thỏa thuận song cả Washington và Tehran đều không chịu nhượng bộ.
Nhóm P5+1 gồm Iran, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức và Anh, tức những quốc gia tham gia thỏa thuận JCPOA năm 2015, đã tổ chức đàm phán trực tuyến trong ngày 1/4 để thảo luận về khả năng Mỹ quay lại thỏa thuận chung.
Theo JCPOA, Iran phải cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân, đổi lấy sự dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại nước này.