Trong cuộc phỏng vấn với CBS vào ngày 7/2, khi được hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đưa Iran trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân hay không, ông Biden nói "không".
Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Iran phải ngừng các hoạt động làm giàu uranium trước khi hai bên quay lại bàn đàm phán.
Trước đó, trong ngày 7/2, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh rằng Tehran sẽ chỉ tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA) khi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng lên Iran.
"Iran đã hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, nhưng Mỹ và 3 nước châu Âu còn lại thì không. Nếu họ muốn Iran tái gia nhập thỏa thuận, trên thực tế, Mỹ phải dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt", đài truyền hình nhà nước Iran dẫn tuyên bố của ông Khamenei.
"Sau khi xác minh xem liệu các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ hay chưa, chúng tôi sẽ tuân thủ đầy đủ trở lại (thỏa thuận JCPOA)", lãnh tụ tối cao Iran nói thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc phỏng vấn với đài CBS. Ảnh: CBS News. |
Căng thẳng giữa Washington và Tehran đã gia tăng sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt vào tháng 5/2018. Ông gọi đây là "bản thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước đến nay".
Trước đó, thông qua Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran 2015 (JCPOA), chính quyền Obama đã dỡ bỏ nhiều lệnh cấm vận đối với Iran, vốn làm nền kinh tế của quốc gia Tây Á trì trệ trong thời gian dài. Đổi lại, Iran chấp nhận các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của nước này cho đến khi các bản thỏa thuận hết hạn vào năm 2025.
Mỹ và các đồng minh châu Âu tin rằng Iran có tham vọng phát triển bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt, các thành viên khác của hiệp định Iran như Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã nỗ lực duy trì thỏa thuận.
Chính quyền Iran đã từ chối đàm phán cho đến khi phía Mỹ ngưng áp đặt lệnh trừng phạt lên họ.