Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Iran chủ đích tấn công căn cứ Mỹ mà không gây thương vong?

Rạng sáng 8/1 ở Baghdad và người Iraq thức dậy trước thông tin “động trời”: Iran đã bắn tên lửa đạn đạo vào các căn cứ Mỹ ở nước họ.

Trong đêm, trực thăng Mỹ quần thảo bầu trời Baghdad. Đó là âm thanh của chiến tranh mà người Iraq không lạ gì, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy có gì đó bất thường.

Sau vụ tấn công, tiếng máy bay AC-130 Specter Gunship tràn ngập bầu trời Vùng Xanh ở Baghdad, nơi có đại sứ quán Mỹ.

Người Iraq lo sợ rằng đất nước của họ một lần nữa trở thành chiến trường cho cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Iran. Trong nhiều thập kỷ, họ đã bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, bị xâm lược, cấm vận, đánh bom khủng bố, biểu tình và đàn áp biểu tình.

Iran tan cong can cu my anh 1

Hai căn cứ quân sự Mỹ tại nước này bị tên lửa của Iran tấn công vào rạng sáng ngày 8/1. Ảnh: AP.

Iran không đặt mục tiêu gây thương vong?

Reuters dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết nước này chưa ghi nhận thương vong người Mỹ cho tới thời điểm này. CNN dẫn lời quan chức an ninh Iraq cho biết không có thương vong trong số lính Iraq tại hai căn cứ. Phía Australia và New Zealand cũng cho biết không có thương vong trong lực lượng của họ.

Phóng viên Nick Paton Walsh của CNN ở Beirut, Lebanon nhận định các cuộc tấn công trả đũa của Iran không nhằm mục đích gây thương vong nhiều nhất cho lính Mỹ.

Rạng sáng 8/1, Iran chắc phải biết lính Mỹ đang ngủ và xác suất gây thương vong thấp hơn, theo ông Walsh.

Iran chắc phải biết Mỹ có hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân đang đặt trong tình trạng báo động cao. Tehran thừa hiểu tên lửa của mình có thể mạnh mẽ đến đâu trước công nghệ Mỹ.

Nếu Tehran đặt mục tiêu gây thương vong cho số lượng lớn lính Mỹ, như các lãnh đạo Iran vẫn mạnh miệng tuyên bố, thì phương án tấn công như ngày 8/1 là không hợp lý. Nhưng phương án đó lại đạt yêu cầu Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố trước đó: tấn công mục tiêu quân sự của Mỹ để trả thù vụ ám sát tướng Soleimani.

Lệnh của Lãnh đạo Tối cao Khamenei là một yêu cầu khó, vì chắc chắn Mỹ sẽ chiến thắng trong một cuộc chiến tranh truyền thống giữa quân đội hai nước.

Iran tan cong can cu my anh 2

Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại cuộc họp ngày 8/1 phát biểu về vụ tấn công của Iran nhắm vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Ảnh: Văn phòng Lãnh đạo Tối cao Iran.

“Tôi nghĩ Iran đã có được sự đáp trả tương ứng, tấn công mục tiêu quân sự của Mỹ, nhưng dường như chưa vượt quá lằn ranh đỏ của Mỹ là gây thương vong cho người Mỹ”, Hussein Banai, giáo sư đã nghiên cứu quan hệ Mỹ - Iran nhiều năm, nói với đài BBC World Service sáng 8/1.

“Iran cần phản ứng một cách công khai, nhưng cũng không muốn khơi mào cuộc chiến tranh. Một cuộc tấn công ồn ào, mang tính biểu tượng mà không giết người Mỹ phù hợp mục đích đó”, Ilan Goldenberg, giám đốc về Trung Đông của Trung tâm An ninh Mỹ mới, bình luận trên Twitter. “Iran có thể nói với người dân là đã chống trả lại người Mỹ”.

Truyền hình quốc gia Iran ngày 8/1 đưa tin đã tiêu diệt tới 80 “kẻ khủng bố người Mỹ”, trái ngược hẳn so với thông tin chưa có thương vong từ các quan chức Mỹ mà Reuters đưa tin cho đến nay.

“Chắc chắn sẽ có thêm những nỗ lực gây thiệt hại cho Mỹ bằng những cách dễ phủ nhận như khủng bố, ám sát, tấn công mạng, sẽ diễn ra sau nhiều tuần, tháng hoặc năm. Tôi nghĩ Iran chưa kết thúc”, ông viết thêm.

Giáo sư Caitlin Talmadge chuyên về an ninh quốc tế tại Đại học Georgetown cho rằng việc chủ đích tấn công mà không gây thương vong về lý thuyết là có thể.

“Căn cứ quân sự là khu vực rộng lớn, tên lửa có thể nhắm trúng mục tiêu, cuộc tấn công có thể được báo trước, đường bắn tên lửa có thể được Mỹ theo dõi nên có thời gian trú ẩn”, bà viết trên Twitter. “Việc Tổng thống Mỹ không phát biểu tối 7/1 (giờ Mỹ) là dấu hiệu tốt”.

CNN dẫn lời quan chức quân sự Mỹ cho biết quân đội đã báo động trước về tên lửa đạn đạo của Iran, để quân nhân trong vòng nguy hiểm có thể kịp trú ẩn.

Iran tan cong can cu my anh 3

Lính nhảy dù của Quân đội Mỹ rời Fort Bragg, North Carolina, tới Trung Đông, ngày 5/1. Ảnh: Reuters.

Iran toan tính gì khi chọn phương án tấn công trên?

“Thông tin vẫn đang dần hé lộ, và ngay cả trong trường hợp tốt nhất, ý đồ của Iran vẫn thường khó đoán, nhưng có ba cách giải thích có thể cho kịch bản vừa diễn ra”, ông Walsh viết trên CNN.

Ông Khamenei có thể đã đánh giá quá cao quân đội của mình, và quá lạc quan về khả năng tấn công của quân đội, rồi cuộc tấn công lại thất bại. “Nhưng đây là điều ngạc nhiên khi nhìn vào sự kiểm soát và kiến thức của ông đối với nền quân sự Iran”, ông Walsh cho biết.

Có thể phe ôn hòa bên trong Iran đã thắng thế, và phương án tấn công chừng mực, chỉ nhằm gửi thông điệp đã được chọn: tấn công mục tiêu quân sự giữa đêm với số lượng nhỏ tên lửa, đồng thời để cho hai bên có đường ra.

“Điều đó cũng hợp logic, vì Tehran và Washington đều không có lợi từ một cuộc chiến kéo dài”, ông Walsh nói.

Cũng có thể, Iran đang cố lừa Mỹ, để Mỹ cảm thấy an tâm một cách sai lầm rằng quân đội Iran yếu ớt, nhưng đằng sau Iran đang ấp ủ những đòn trả đũa kinh khủng hơn.

“Khả năng này đòi hỏi khá nhiều bàn bạc chiến lược trong một chính phủ Iran lại đang bị chia rẽ giữa ôn hòa và cứng rắn, và đòi hỏi Iran phải khá chắc chắn sẽ không có thương vong lính Mỹ trong cuộc tấn công”, phóng viên CNN phân tích.

Nếu các cuộc tấn công rạng sáng 8/1 là toàn bộ phản ứng của Iran, sẽ có một rủi ro nữa, rằng chính quyền Trump kết luận toan tính của mình trong tuần qua đã có tác dụng, và Iran đã hạ mình. Như vậy Iran có nguy cơ vấp phải các hành động khác từ Washington, và khiến các địch thủ của Iran trong khu vực cảm thấy tự tin hơn, theo ông Walsh.

Phản ứng của Iran sau vụ ám sát tư lệnh Soleimani luôn khó đoán định. “Nhưng nếu cuộc tấn công căn cứ Mỹ là toàn bộ sự trả thù của Iran, đó là một sự trả thù quá chóng vánh và quá thiên về quân sự mà ít ai có thể nhìn trước”, ông Walsh viết.

Iran công bố video nã tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq Ít nhất 9 quả rocket đã bắn trúng một căn cứ không quân, nơi Mỹ và lực lượng liên quân đang đồn trú quân, ở miền Tây Iraq vào rạng 8/1.

Người Việt ở Australia: ‘Cháy mù mịt và khó thở’

Cháy rừng đang tàn phá khủng khiếp ở Đông Nam Australia. Người Việt ở đây, trải qua đợt ô nhiễm đột ngột, đang hưởng ứng việc quyên góp để giúp ứng phó.

Ngoại trưởng Iran: Tehran 'đáp trả tương xứng, không muốn chiến tranh’

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gọi các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ ở Iraq là “biện pháp tự vệ tương xứng” và cho biết Iran “không muốn leo thang hay chiến tranh”.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm