Jim Balsillie (bên trái) và Mike Lazaridis hồi năm 2006. |
Mike Lazaridis vẫn ở nhà làm những công việc tẻ nhạt khi ông xem chương trình trên truyền hình về sản phẩm mới nhất của Apple. Nhà sáng lập của BlackBerry (lúc đó là Research in Motion – RIM) nhanh chóng quên hết mọi thứ khác vào ngày tháng 1/2007. Lúc đó, Steve Jobs đang ở trên sân khấu tại San Francisco, cầm trong tay chiếc điện thoại có thể tải nhạc, video và bản đồ trên Internet mà ông gọi là iPhone.
“Làm sao họ làm được điều đó”, ông Lazaridis tự hỏi. Sự tò mò của ông chuyển sang suy nghĩ không thể tin nổi khi Stanley Sigman, CEO của nhà mạng Cingular Wireless bắt tay với Jobs để công bố về hợp đồng nhiều năm bán iPhone với Apple. Công ty mẹ AT&T của Cingular đang nghĩ gì chứ?
Ngày hôm sau, Lazaridis bắt gặp đồng CEO Jim Balsillie tại văn phòng và kéo ông ra trước màn hình máy tính. “Jim, tôi muốn anh xem cái này”, ông nói, chỉ vào màn công bố iPhone của Apple. “Họ đưa toàn bộ trình duyệt web vào đó”.
Suy nghĩ đầu tiên của Balsillie là RIM sẽ mất khách hàng AT&T. “Apple có sản phẩm tốt hơn”, ông nói. “Chúng ta chưa bao giờ được như thế. Thị trường Mỹ sẽ trở nên khắc nghiệt hơn”.
“Nhưng chúng ta sẽ ổn thôi”, ông Balsillie nói.
Trong mấy tháng liền, các lãnh đạo của RIM không nghĩ nhiều về iPhone. “Đó không phải là mối đe dọa với ngành kinh doanh cốt lõi của RIM”, Larry Conlee, một cộng sự hàng đầu của Lazaridis nói. “iPhone không bảo mật. Nó có pin rất nhanh cạn kiệt và bàn phím số rất khó dùng”.
Các khách hàng của RIM đánh giá rất cao tính năng bảo mật và hệ thống liên lạc hiệu quả của smartphone Blackberry. Cung cấp nội dung Internet trên di động “không phải là cái khách hàng chúng ta cần”, ông Conlee nói.
Việc người tiêu dùng ưa chuộng iPhone là điều vô lý với các đối thủ như RIM, Nokia, Motorola. Pin của máy chỉ dùng được chưa đến 8 giờ, nó lại còn chạy trên mạng 2G cũ và chậm hơn, và như ông Lazaridis đoán, nhạc, video và các loại dữ liệu khác sẽ làm mạng lưới AT&T bị nghẽn. RIM đối mặt với một đối thủ họ không thể hiểu nổi.
Thảm họa lớn nhất trong lịch sử smartphone
RIM đối mặt với iPhone bằng cách bắt tay với Verizon. Nhà mạng Mỹ hiểu rõ việc AT&T độc quyền bán iPhone là mối đe dọa rất cạnh tranh.
Hơn 1 triệu iPhone được bán ra trong 3 tháng đầu tiên. Đó không còn là một chiếc điện thoại bình thường nữa. Verizon vội vã tìm kiếm sản phẩm để đối đầu với iPhone, và họ chọn RIM, lúc đó là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Ban đầu, ông Lazaridis đưa ra kế hoạch về chiếc BlackBerry Bold, có bàn phím truyền thống và màn hình cảm ứng mới. Nhưng Verizon bỏ qua, vì nếu Apple và AT&T có iPhone màn hình cảm ứng, Verizon cũng phải có.
Giải pháp của Lazaridis là Storm – chiếc điện thoại mà vào năm 2007, nó chỉ mới hơn bản mẫu một chút. Nhưng Verizon rất yêu Storm, hứa hẹn sẽ chi ngân sách marketing tới 100 triệu USD để quảng bá ở hàng ngàn điểm bán lẻ. Đó thực sự là thời điểm chuyển mình lớn tại Mỹ của BlackBerry, và ông Lazaridis cảm thấy không thể nói không dù Verizon đặt hạn cuối ra Storm vào mùa 2008.
RIM chỉ còn 9 tháng để ra mắt sản phẩm. Nhưng phải tới 15 tháng sau, vào 11/2008, công ty mới bắt đầu bán Storm vào mùa Giáng sinh. Trong nội bộ của RIM, các kỹ sư đều biết công ty đang bán ra một sản phẩm lỗi.
Trình duyệt chậm, màn hình không phản ứng tốt ở các góc, và thiết bị thường xuyên bị treo, khởi động lại. Ban đầu, thiết bị rất chạy với doanh số 1 triệu máy trong 2 tháng đầu tiên 2008. Nhưng sau đó, rất nhiều máy bị trả về để thay thế. Storm hoàn toàn thất bại. Verizon muốn RIM phải trả gần 500 triệu USD để đền bù cho những mất mát của hãng.
Tuy nhiên, RIM đưa ra giải pháp, bao gồm sửa chữa miễn phí và nâng cấp chương trình cho Storm. Hậu quả của vụ này là RIM mất hơn 100 triệu USD, còn Verizon thì khuyến cáo CEO Balsillie rằng mối quan hệ của nhà mạng Mỹ với hãng smartphone Canada có thể thay đổi hoàn toàn.
BlackBerry có nguy cơ sẽ không còn tồn tại nữa
Tranh biếm họa về BlackBerry và iPhone. |
Lần đầu tiên kể từ khi IPO, RIM đã bán một sản phẩm tệ như vậy. Cơ hội cạnh tranh với Apple và lấy lại vị thế trong cuộc đua đã vuột mất, hãng gần như tuột dốc không phanh. RIM đã quen với chiến thắng và ngợi ca, giờ đây, sự chỉ trích khiến hãng nghi ngờ liệu có nên tiếp tục sáng tạo.
Chỉ duy nhất ông Lazaridis không cho Storm là thất bại. Với ông, đó là cú vấp đầu tiên của RIM trong một công nghệ mới. Khi ông nhìn lại Storm, ông thấy nó có nhiều cải tiến: Nó có camera tốt, khả năng xem video mượt, loa hay và pin có thể thay thế. Đó là thiết bị 3G đầu tiên của Verizon. Ông cho rằng đó là lỗi của các nhân viên đã đưa ra một sản phẩm tệ như thế.
Ông Lazaridis co rằng Storm là loại thiết bị mà Blackberry nên tiếp tục cải tiến. RIM đã ra Storm 2. Dù doanh số Storm 2 vẫn èo uột, nhưng ông Lazaridis vẫn khăng khăng tin vào Storm cho đến 2010, khi các nhà mạng Mỹ cuối cùng đã chán ngấy với thiết bị này.
Mặc dù bị thị trường từ chối, ông Lazaridis vẫn tin vào 4 trụ cột thành công của BlackBerry – đó là thời lượng pin tốt, tiết kiệm băng thông cho nhà mạng, bảo mật và bàn phím của BlackBerry. Hai năm sau khi Apple iPhone ra đời, ông Lazaridis vẫn không thể hiểu tại sao người dùng iPhone lại đổ xô sử dụng thiết bị mà họ liên tục phải sạc pin.
Nhưng không còn đường lui nào nữa. Apple đã đặt ra một kỷ nguyên mới cho ngành viễn thông. Và RIM, cũng như nhiều hãng khác, chỉ là những kẻ đi theo.
Tình hình ngày càng tệ hơn với RIM – hãng sau này đã đổi tên thành BlackBerry. Gần đây, tin đồn rộ lên nhiều đại gia công nghệ muốn thâu tóm hãng viễn thông Canada BlackBerry. Ngoài Microsoft, trong danh sách này còn có các tên tuổi của Trung Quốc như Xiaomi, Huawei, Lenovo.