Cuộc đối đầu bắt đầu hồi giữa tháng 12 khi một tàu hải cảnh Trung Quốc, đi cùng các tàu đánh cá của nước này, tiến vào vùng biển ngoài khơi phía bắc quần đảo Natuna của Indonesia. Sau đó, Jakarta đã triệu tập đại sứ Bắc Kinh, theo Reuters.
Sự việc đã gây ra căng thẳng trong quan hệ nhìn chung thân thiện giữa Indonesia với Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là nhà đầu tư quan trọng tại nước đông dân nhất Đông Nam Á.
Fajar Adriyanto, phát ngôn viên không quân Indonesia, cho biết bốn máy bay F-16 đã thực hiện các chuyến bay qua quần đảo, dù ông cũng xoa dịu sự lo sợ về bất kỳ cuộc chạm trán nào với Bắc Kinh.
"Họ đang tiến hành những cuộc tuần tra tiêu chuẩn để bảo vệ khu vực thuộc chủ quyền của chúng ta. Việc tuần tra Natuna diễn ra bình thường như thế", ông Adriyanto nói. "Chúng tôi không được lệnh gây chiến với Trung Quốc".
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa), Tư lệnh Quân đội Gatot Nurmantyo và Tư lệnh Không quân Agus Supriatna đi bên cạnh máy bay và vũ khí trong một cuộc diễn tập trên quần đảo Natuna năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Hôm 6/1, Indonesia cho biết họ đang huy động ngư dân đến khu vực phía bắc quần đảo Natuna và đã triển khai một số tàu hải quân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 7/1 cho biết Bắc Kinh đã mở các kênh ngoại giao với Indonesia sau vụ việc mới nhất, và nói cả hai nước đều có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Không có cuộc đàm phán nào với các tàu Trung Quốc cho đến ngày 7/1, ông Nuryawal Embun, giám đốc phụ trách các hoạt động trên biển của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia, nói với Reuters.
Theo dữ liệu từ Maritime Traffic, một trang web theo dõi tàu, ít nhất hai tàu Trung Quốc - Zhongguohaijing và Haijing 35.111 - đang ở trong vùng biển sát ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia hôm 7/1, cách quần đảo Riau của Indonesia khoảng 200 km.
Các tàu này nằm trong phạm vi cái gọi là "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc ngang ngược, đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tuyên bố này đã bị tòa quốc tế bác bỏ vào năm 2016.
Luhut Pandjaitan, bộ trưởng điều phối trong nội các Indonesia, giám sát các nguồn lực và đầu tư, nói với các phóng viên hôm 7/1 rằng chủ quyền của Indonesia không thể đem ra thương lượng, dù Trung Quốc có vai trò quan trọng về kinh tế đối với đất nước "vạn đảo".
"Tôi sẽ không bán chủ quyền của mình để lấy đầu tư, không bao giờ", ông nói. "Tôi không ngu ngốc".