"Liên quan đến Natuna, không có sự thỏa hiệp nào khi nói đến chủ quyền lãnh thổ của đất nước chúng tôi", ông Widodo phát biểu hôm 6/1 trong cuộc họp nội các đầu tiên trong năm tại dinh tổng thống ở Jakarta.
Theo Nikkei Asian Review, tuần trước, Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm tới Bắc Kinh để phản đối mạnh mẽ động thái gần đây của các tàu Trung Quốc trên biển Natuna.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Hôm 6/1, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhắc lại lập trường của Jakarta, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, hay Unclos, bao gồm các điều khoản về các vùng đặc quyền kinh tế.
"Indonesia sẽ không bao giờ thừa nhận đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố. Đây rõ ràng là quyền chủ quyền của chúng tôi, các ranh giới chúng tôi đã vẽ cho Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia là ranh giới phù hợp với Unclos. Tất cả những gì chúng tôi muốn cho Trung Quốc với tư cách bên tham gia Unclos là tuân thủ những gì ở đó", ông Marsudi nói với các phóng viên ở Jakarta.
Bộ trưởng An ninh Mahfud MD cho biết hải quân sẽ tăng cường tuần tra thường xuyên quanh biển Natuna sau sự cố mới nhất. Hiệp hội Ngư dân Indonesia cũng đã đồng ý phái 500 tàu cá đến Natuna để giúp bảo vệ khu vực.
Tàu 3303 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc đi gần tàu chiến Imam Bonjol 383 khi Hải quân Indonesia truy đuổi tàu cá Han Tan Cou vào vùng biển Natuna của Indonesia, ngày 17/6/2019. Ảnh: Antara. |
Bắc Kinh nói rằng họ không vi phạm luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết các hoạt động của ngư dân Trung Quốc trên biển Natuna "đều hợp pháp và chính đáng". Những người bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi cùng họ chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình.
Căng thẳng gia tăng trong tuần qua sau khi một số tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi hai tàu bảo vệ bờ biển và một tàu tuần tra đánh cá xâm nhập vùng biển phía bắc quần đảo Natuna.
Theo nguồn tin địa phương, Indonesia đã phái hai tàu chiến và đang lên kế hoạch gửi thêm.
Bắc Kinh không có yêu sách lãnh thổ đối với các đảo nhưng nói rằng vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc của họ là một phần của ngư trường truyền thống quanh quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp.