Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IMF tung gói 650 tỷ USD trợ giúp các nước ứng phó Covid-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 650 tỷ USD để giúp các nước thành viên có thêm nguồn lực ứng phó với hậu quả của đại dịch Covid-19.

Theo Financial Times, gói hỗ trợ tài chính này được cấp dưới dạng quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR) - một dạng tài sản dự trữ quốc tế.

SDR ra đời vào năm 1969 có vai trò bổ sung cho nguồn dự trữ tiền của các quốc gia thành viên IMF. Với sự phát triển của thương mại và tài chính quốc tế, khi đó nguồn lực dự trữ chủ yếu bằng vàng và USD của các quốc gia trở nên không đủ đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Các quốc gia thành viên IMF có thể vay SDR từ dự trữ của IMF với lãi suất ưu đãi, rồi sau đó giải ngân ra một loại tiền tệ mạnh nào đó chủ yếu với mục đích điều chỉnh, tạo ra vị thế có lợi cho cán cân thanh toán của họ.

Các nước chỉ có thể vay một lượng SDR tương ứng với tỷ trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu, và tỷ lệ đóng góp vào quỹ SDR của các nước cũng khác nhau.

Trong gói hỗ trợ trị giá 650 tỷ USD lần này, 275 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các quốc gia đang phát triển, trong khi phần còn lại được dành cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Đây là một quyết định lịch sử - lần phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF và là liều vaccine cho hệ thống tài chính toàn cầu vào thời điểm thảm họa chưa từng có tiền lệ", bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành IMF, cho biết trong thông cáo báo chí hôm 2/8.

IMF ho tro tai chinh chong dai dich anh 1

Bà Kristalina Georgieva, nhà kinh tế học người Bulgari, trở thành giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế kế nhiệm bà Christine Lagarde, sau khi bà Lagarde chuyển tới làm giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB. Bà Georgieva cũng từng là sếp số 2 ở Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Reuters.

"Việc phân bổ SDR sẽ mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia thành viên, đáp ứng nhu cầu quốc tế dài hạn về dự trữ, xây dựng lòng tin và thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Nó là sự hỗ trợ đáng kể với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, vốn đang vật lộn để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19", bà Georgieva nói thêm.

Khi đề xuất thông qua kế hoạch này, bà Georgieva từng nói hơn một nửa các quốc gia đang phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với đại dịch mà không có đủ dự trữ tiền tệ, và nhiều nước đã phải tiêu hết các nguồn dự trữ bổ sung để đối phó với thảm họa.

190 quốc gia thành viên của IMF đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch phân bổ này hôm 3/8, sau khi nó được ban quản trị của tổ chức tiếp nhận hồi tháng 7.

Mỹ, nước có khả năng đơn phương đưa ra quyền phủ quyết, đã chặn kế hoạch này dưới thời Tổng thống Donald Trump khi đề xuất đầu tiên được đưa ra hồi năm 2019, tuy nhiên chính quyền Biden sau đó đã nhanh chóng thông qua.

IMF phát cảnh báo mới về bất bình đẳng vaccine Covid-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo khả năng tiếp cận vaccine Covid-19 hạn chế của các nền kinh tế đang phát triển có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

IMF đề xuất 50 tỷ USD để chấm dứt đại dịch

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/5 công bố đề xuất 50 tỷ USD nhằm chấm dứt Covid-19, bằng cách tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số vào cuối năm 2021 và 60% vào nửa đầu năm 2022.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm