Theo dự báo được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm 27/7, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021. Ước tính tăng trưởng của Mỹ, Anh và Canada được cải thiện đáng kể so với báo cáo trước đó của IMF hồi tháng 4.
Tuy nhiên, dự báo đối với nền kinh tế Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã sụt giảm. IMF cho biết nguyên nhân chủ yếu là sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng.
Theo IMF, gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tại những nền kinh tế thị trường mới nổi, tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 11%. Các nước thu nhập thấp thậm chí còn tụt hậu hơn nữa.
IMF dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, cao hơn 0,6% so với dự báo trước đó. Dự báo mức tăng trưởng của Anh, Canada và 19 quốc gia khu vực đồng euro lần lượt là 7%, 6,3% và 4,6%.
Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 8,1%, giảm nhẹ so với dự báo trước đó. Các dự báo đối với tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ cũng sụt giảm khá mạnh sau đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây.
Nền kinh tế của đất nước hiện được dự báo tăng trưởng 9,5% trong năm nay, so với mức 12,5% hồi tháng 4.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp cản đường phục hồi của nhiều nền kinh tế đang phát triển. Ảnh: Reuters. |
"Tỷ lệ tiêm chủng nhanh và tốc độ trở lại bình thường nhanh hơn dự kiến dẫn đến việc nâng dự báo. Trong khi đó, thiếu khả năng tiếp cận vaccine và làn sóng Covid-19 ở một số quốc gia khiến (IMF) hạ dự báo", nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF bình luận.
Tổ chức cũng cảnh báo rằng các mức hỗ trợ chính sách khác nhau có thể làm gia tăng chênh lệch. "Việc hỗ trợ tài chính đáng kể vẫn tiếp tục ở những nền kinh tế tiên tiến. Các gói hỗ trợ trị giá 4.600 tỷ USD liên quan đến đại dịch đã được công bố vào năm 2021 và còn hơn thế nữa", bà Gopinath cho biết.
"Mặt khác, ở các thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển, hầu hết gói hỗ trợ đã hết hạn trong năm 2020 và họ đang tìm cách xây dựng lại vùng đệm tài chính", bà cho biết.
"Một số thị trường mới nổi như Brazil, Hungary, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu nâng lãi suất chính sách tiền tệ để giảm áp lực tăng giá", bà Gopinath nói thêm.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo về các biến thể virus có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng như cú sốc đối với thị trường tài chính nếu ngân hàng trung ương dừng hỗ trợ kinh tế sớm hơn dự kiến.