Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đội quân shipper giúp Trung Quốc chống chọi qua đại dịch

Mạng lưới giao hàng phát triển được Trung Quốc áp dụng hiệu quả trong thời kỳ đại dịch. Các shipper thực hiện giao hàng không tiếp xúc và được ưu tiên tiêm vaccine.

Giao hang hoa anh 1

Theo South China Morning Post, hồi đầu năm 2020, khi nghe loáng thoáng về một căn bệnh truyền nhiễm lây lan ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), ông Liu Yilin, một giáo viên về hưu, đã nhanh chóng tích trữ gạo, dầu ăn, mì, thịt lợn và cá khô.

Nhưng sau một thời gian dài phải chôn chân trong nhà, nguồn thực phẩm tích trữ của ông cũng dần cạn kiệt. Thay vì chen chúc ở các siêu thị khi Vũ Hán bị phong tỏa, ông Liu nhờ đến dịch vụ giao hàng tận nhà.

"Dịch vụ giao hàng rất tiện lợi trong thời kỳ này", ông Liu chia sẻ. Từ giao bưu phẩm, đồ ăn đến thuốc men, các tài xế giúp người dân vượt qua nhiều đợt phong tỏa kéo dài hàng tháng.

Các hạn chế nghiêm ngặt vì dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng vọt. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng phi mã, khối lượng công việc khổng lồ đè nặng lên những tài xế giao hàng, đồ ăn. Họ đứng trước rủi ro lây nhiễm virus lớn và phải đánh đổi sức khỏe để làm việc.

Do đó, các công ty vận chuyển hàng hóa và giới chức trách Trung Quốc đã phải đưa ra một số quy định và biện pháp nhằm giúp lực lượng tài xế giao hàng đảm bảo sức khỏe và hạn chế lây lan virus trong quá trình làm việc.

Giao hang hoa anh 2

Nhu cầu mua hàng và đồ ăn trực tuyến tăng vọt khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì đại dịch. Ảnh: Reuters.

Giao hàng không tiếp xúc

Theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc, riêng trong năm 2020, lĩnh vực chuyển phát nhanh tại đất nước 1,4 tỷ dân đã chuyển phát 83,36 tỷ bưu kiện, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi đầu năm 2020, khi Vũ Hán bị phong tỏa, người dân không được phép ra khỏi khu dân cư của mình. Mọi liên lạc đều được thực hiện qua Internet. Cư dân đặt hàng qua mạng với nông dân, tiểu thương hoặc các siêu thị. Sau đó, nhân viên cộng đồng nhận hàng từ người chuyển phát rồi giao tới từng nhà.

Hàng sáng, ông Liu gửi một mảnh giấy ghi tên, số điện thoại và mã đặt hàng của mình cho nhân viên cộng đồng. Người này sau đó nhận hàng từ nhân viên chuyển phát tại cổng khu dân cư rồi giao tới ông Liu và những cư dân khác.

Dịch vụ giao hàng không tiếp xúc cũng ra đời vào tháng 2/2020, thời điểm dịch bùng phát nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc. Trong Nhật ký Bắc Kinh, nhà báo Tetsushi Takahashi - Trưởng văn phòng Nikkei Asian Review tại Trung Quốc - viết: "Thứ tư, ngày 26/2, tôi nhìn thấy những chiếc kệ màu đỏ trong một khu dân cư cũ cách khu trung tâm thương mại Bắc Kinh 3 km".

Giao hang hoa anh 3

Các nhân viên cộng đồng nhận hàng từ người chuyển phát rồi giao tới từng nhà. Ảnh: Reuters.

"Những chiếc kệ có dán dòng chữ 'giao hàng không tiếp xúc'. Đó là điểm nhận đơn hàng trực tuyến của siêu thị T11 Food Martket", ông mô tả.

Việc giao hàng trở thành một vấn đề lớn đối với cư dân Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Siêu thị T11 Food Market đã đặt những kệ hàng tại cổng của hơn 100 khu dân cư.

Khi hàng hóa được vận chuyển đến, khách hàng sẽ được thông báo qua điện thoại. Như vậy, người mua hàng không cần phải tiếp xúc với nhân viên giao hàng.

Các công ty chuyển phát nhanh thậm chí còn thiết kế những tủ đựng đồ tại các khu dân cư, nhất là chung cư, nhằm đảm bảo mỹ quan, tránh tình trạng lấy nhầm đồ hoặc ăn cắp hàng hóa của người khác.

Tại Bắc Kinh, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan còn sử dụng xe tự lái để giao thực phẩm cho khách hàng. Hãng cũng dùng bìa các tông chắn giọt bắn khi khách hàng dùng bữa ở nơi làm việc. Ở Thượng Hải, hãng Ele.me sử dụng máy bay không người lái giao hàng cho khách tại những khu vực bị cách ly nghiêm ngặt.

Ưu tiên tiêm vaccine Covid-19

Theo South China Morning Post, dĩ nhiên, việc Trung Quốc áp dụng thành công giao hàng không tiếp xúc là nhờ mạng lưới giao hàng tận nhà quy củ và phát triển. Đất nước 1,4 tỷ dân có mật độ dân số cao ở các khu đô thị, lực lượng lao động dồi dào và người tiêu dùng cởi mở với Internet.

Các công ty công nghệ cũng rót vốn đầu tư vào phần cứng, phần mềm và cải thiện hệ thống dữ liệu. "Giao bưu phẩm, đồ ăn hay thuốc men, Trung Quốc sở hữu một hệ thống giao hàng cực kỳ phát triển, hơn nhiều nơi khác trên thế giới", South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Mark Greeven thuộc IMD Business School (Lausanne, Thụy Sĩ) nhận định.

Ngay từ trước dịch Covid-19, người tiêu dùng Trung Quốc đã quen với công nghệ kỹ thuật số trong cuộc sống hàng ngày, từ mua sắm, kinh doanh, thanh toán trực tuyến đến dịch vụ công. "Các tiện ích hoạt động hiệu quả khi nhu cầu bùng nổ vào thời kỳ dịch bệnh", ông Greeven đánh giá.

Với nhu cầu tăng mạnh, Trung Quốc và một số quốc gia khác như Australia đã đưa nhân viên giao hàng vào nhóm lao động thiết yếu. Hồi tháng 6/2020, Sở Thương mại Bắc Kinh yêu cầu các nhân viên giao hàng phải có kết quả xét nghiệm âm tính mới được làm việc. Sau đó, Trung Quốc đưa nhóm này vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.

Giao bưu phẩm, đồ ăn hay thuốc men, Trung Quốc sở hữu một hệ thống giao hàng cực kỳ phát triển, hơn nhiều nơi khác trên thế giới

Chuyên gia Mark Greeven thuộc IMD Business School

Tại Mỹ, hồi năm ngoái, gã khổng lồ gọi xe, giao đồ ăn Uber Technologies Inc cũng gửi thư tới thống đốc của tất cả bang, kêu gọi cho tài xế và nhân viên giao đồ ăn của họ sớm được tiếp cận vaccine với tư cách những lao động thiết yếu.

"Những người này là 'phao cứu sinh' của cộng đồng. Họ đã đưa các nhân viên y tế đến bệnh viện, giao đồ ăn cho những người bị mắc kẹt ở nhà và giúp các nhà hàng địa phương duy trì hoạt động", Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi nhấn mạnh trong lá thư gửi đến Thống đốc bang Florida Ron DeSantis.

Trở lại Trung Quốc, khi các yêu cầu hạn chế buộc một số nhà hàng, chuỗi bán lẻ và cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa, những công ty giao đồ ăn đã "mượn" nhân viên để đáp ứng nhu cầu giao hàng bùng nổ.

Biện pháp này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu đang bùng nổ, mà còn đảm bảo sinh kế cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế tê liệt vì đại dịch. Anh Mo Xinsheng, từng làm phụ bếp tại một nhà hàng ở Bắc Kinh, đã được "mượn" sang công ty vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc.

"Tôi cần kiếm tiền sống qua ngày và muốn giúp đỡ những người bị mắc kẹt ở nhà", anh Mo Xinsheng chia sẻ.

Tài xế đánh cược sức khỏe khi giao đồ ăn trong thời dịch bệnh

Khi nhu cầu giao hàng và đồ ăn tăng vọt trong thời kỳ dịch Covid-19, gánh nặng đè lên các tài xế. Họ phải bán mạng làm việc và chịu rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao.

Tập đoàn gọi xe Trung Quốc trả giá đắt vì thách thức Bắc Kinh

Bắc Kinh đang xem xét hình phạt nghiêm trọng đối với hãng gọi xe Didi - "Uber của Trung Quốc"- sau khi công ty này nôn nóng lên sàn Mỹ dù chưa được sự cho phép của các nhà quản lý.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm