Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tài xế đánh cược sức khỏe khi giao đồ ăn trong thời dịch bệnh

Khi nhu cầu giao hàng và đồ ăn tăng vọt trong thời kỳ dịch Covid-19, gánh nặng đè lên các tài xế. Họ phải bán mạng làm việc và chịu rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao.

Tai xe giao do an anh 1

Theo The Straits Times, khi Singapore thực hiện "ngắt cầu chì" - phong tỏa ở mức nghiêm ngặt nhất - để ngăn ngừa virus lây lan, những người như anh Jarrold Tham, 40 tuổi, rất cần việc làm.

Anh Tham cho biết trong năm 2020, anh có thời điểm kiếm được 70-100 USD/ngày nhờ công việc giao đồ ăn. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng rất sợ bị lây nhiễm virus trong quá trình làm việc.

"Thành thật mà nói, với sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới và số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày, tôi rất sợ hãi mỗi khi giao hàng", anh Tham chia sẻ. "Tôi không muốn lây virus cho vợ mình", anh nói thêm.

Những nhân viên giao hàng như anh Tham là lực lượng lao động thiết yếu trong thời kỳ đại dịch. Các yêu cầu giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch bệnh khiến số lượng đơn hàng trực tuyến tăng vọt từ Singapore, Hàn Quốc đến Trung Quốc.

Tai xe giao do an anh 2

Các tài xế giao hàng, đồ ăn là lực lượng lao động thiết yếu trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters.

Rủi ro nhiễm Covid-19

Theo South China Morning Post, hồi đầu năm 2020, khi nghe loáng thoáng về một căn bệnh truyền nhiễm lây lan ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), ông Liu Yilin, một giáo viên về hưu, đã nhanh chóng tích trữ gạo, dầu ăn, mì, thịt lợn và cá khô.

Nhưng sau một thời gian dài phải chôn chân trong nhà, nguồn thực phẩm tích trữ của ông cũng dần cạn kiệt. Thay vì chen chúc ở các siêu thị khi Vũ Hán bị phong tỏa, ông Liu nhờ đến dịch vụ giao hàng tận nhà.

"Dịch vụ giao hàng rất tiện lợi trong thời kỳ này", ông Liu chia sẻ. Từ giao bưu phẩm, đồ ăn đến thuốc men, các tài xế giúp người dân vượt qua nhiều đợt phong tỏa kéo dài hàng tháng. "Tôi cần kiếm tiền sống qua ngày và muốn giúp đỡ những người bị mắc kẹt ở nhà", anh Mo Xinsheng, một nhân viên giao hàng tại Bắc Kinh, chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng phi mã, khối lượng công việc khổng lồ đè nặng lên các tài xế giao hàng, đồ ăn. Họ cũng đứng trước rủi ro lây nhiễm virus lớn và phải bán mạng làm việc với thu nhập ít ỏi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), các nhân viên giao hàng và thực phẩm đứng trước nguy cơ lây nhiễm virus tiềm ẩn nếu tiếp xúc gần với người mắc Covid-19 khi giao hoặc nhận thực phẩm hàng hóa, hoặc chạm vào các bề mặt mà người mắc Covid-19 chạm vào hoặc cầm nắm.

CDC cũng đưa ra các khuyến cáo cho tài xế như ở nhà nếu bị ốm, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng, rửa tay đúng cách và mang theo khăn hoặc nước khử trùng.

Tai xe giao do an anh 3

Nhu cầu giao hàng và đồ ăn tăng vọt sau các lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19. Ảnh: Wall Street Journal.

Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm virus của các tài xế giao hàng, đồ ăn tăng lên khi nhu cầu tăng vọt. "Khối lượng công việc của nhân viên giao hàng đang gia tăng, trong khi thu nhập của họ giảm", chuyên gia Aidan Chau tại tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin (Hong Kong) bình luận.

Theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc, riêng trong năm 2020, lĩnh vực chuyển phát nhanh tại đất nước 1,4 tỷ dân đã chuyển phát 83,36 tỷ bưu kiện, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng hàng được giao ở Hàn Quốc cũng tăng 20% trong năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Indonesia leo dốc 52%.

Các công ty giao hàng trên khắp châu Á tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh đại dịch. Ngành công nghiệp hậu cần, được thúc đẩy bởi nguồn lao động giá rẻ khổng lồ, đã tạo nên thành công của Alibaba Group Holding, JD.com và Meituan ở Trung Quốc, Grab, Gojek, Tokopedia và Sea Limited tại Đông Nam Á, Amazon và Rakuten ở Nhật Bản, và Coupang của Hàn Quốc.

"Ngành công nghiệp giao hàng, đồ ăn là mô hình thu nhỏ của những bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng vì đại dịch", Nikkei Asian Review nhận định. "Các tài xế và nhân viên giao hàng phải tăng giờ làm và chịu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao", tờ này nhấn mạnh.

Bị vắt kiệt sức

"Một ngày làm việc của tôi thường kéo dài đến 9h tối", anh Li Xaoliang, 31 tuổi, một tài xế giao hàng ở Trung Quốc, chia sẻ.

"Trong những giờ cao điểm, chúng tôi lái xe bằng một tay, tay còn lại bấm điện thoại nhận các đơn hàng đến", một nhân viên giao đồ ăn đã nghỉ việc kể lại. "Những cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang 'bán mạng' để giao hàng", người này chia sẻ.

Người giao hàng gần như bị vắt kiệt sức lao động. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều bi kịch đã được lan truyền trên mạng xã hội.

Cái chết hồi tháng 12/2020 của một tài xế họ Han ở Bắc Kinh đã tạo làn sóng phản ứng dữ dội sau khi công ty Ele.me đề nghị bồi thường chỉ 2.000 NDT (308 USD). Hãng giao hàng Ele.me được chống lưng bởi gã khổng lồ Alibaba của tỷ phú Jack Ma.

Sự việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Tháng 1/2021, một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Trong đó, một tài xế Ele.me đã tự thiêu và được người qua đường ở tỉnh Giang Tô cứu kịp thời. Người này tên Liu Jin, khoảng 40 tuổi, là lao động nhập cư từ vùng nông thôn tỉnh Vân Nam.

Hàn Quốc cũng ghi nhận các trường hợp tài xế giao hàng, đồ ăn tử vong vì làm việc quá sức trong thời kỳ dịch bệnh.

"Đã có 15 trường hợp tử vong do làm việc quá sức được ghi nhận chính thức. Nhưng nếu tính những người qua đời vì rủi ro công việc, con số có thể gấp đôi", ông Yang Dong-kyu tại Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc, tiết lộ.

Hồi tháng 10/2020, anh Kim Won-jong, một tài xế giao hàng của CJ Logistics, ngã gục tại nơi làm việc và sau đó tử vong ở bệnh viện.

Công ty đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận. Giám đốc điều hành CJ Park Keun-hee tổ chức họp báo và xin lỗi về cái chết của anh Kim. Ông cũng khẳng định công ty sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho tài xế và tránh bất cứ trường hợp tử vong nào khác.

Những cuộc gọi cứ thế nối đuôi nhau. Điều đó khiến tôi cảm thấy mình đang 'bán mạng' để giao hàng

- Một tài xế giao đồ ăn đã nghỉ việc

"Điều khiến tôi buồn và tức giận là bất cứ ai cũng có thể thấy điều này xảy ra, nhưng không ai ngăn chặn nó", anh Park Seung-hwan, một tài xế giao hàng khác của CJ, chia sẻ.

"Kể từ năm ngoái, khối lượng công việc đã tăng lên, nhưng công ty không có biện pháp giải quyết vấn đề. Các tài xế chỉ còn cách tự đối phó", anh than thở.

Nghịch lý là khi nhu cầu ngày càng gia tăng, các nhân viên giao hàng từ Jakarta đến Thượng Hải đều thừa nhận rằng họ phải làm việc nhiều giờ hơn để kiếm được số tiền tương tự, thậm chí ít hơn một năm trước.

"Trước đại dịch, trung bình các tài xế làm việc từ 8-12 giờ, và có thể dễ dàng nhận được hơn 20 đơn đặt hàng. Bây giờ, họ làm việc 10-15 giờ mỗi ngày nhưng được ít hơn 20 đơn", ông Igun Wicaksono, Chủ tịch Garda, hiệp hội gồm 100.000 tài xế Gojek và Grab, chia sẻ.

"Các tài xế từng kiếm từ 300.000-400.000 rupiah (21-28 USD) mỗi ngày. Bây giờ, trong thời kỳ bình thường mới, thu nhập chỉ khoảng 150.000-250.000 rupiah/ngày. Thu nhập ròng của các tài xế chỉ đạt khoảng 30% trong số đó", ông tiết lộ.

Người tiêu dùng bớt ăn thịt vì đại dịch và giá cả leo thang

Tình trạng thất nghiệp do đại dịch khiến thịt trở thành món ăn xa xỉ với nhiều gia đình. Cùng với đó, giá cả leo thang và thói quen thay đổi cũng khiến nhu cầu thịt lao dốc.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm