Theo Bloomberg, doanh số bán thịt tại các cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đã giảm hơn 12% so với một năm trước. Nhu cầu thịt bò tại châu Âu được dự đoán lao dốc 1% trong năm nay.
Ở Argentina, lượng tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người đã giảm gần 4% so với năm 2020.
Yếu tố lớn nhất cản trở nhu cầu là giá cả leo thang không ngừng từ tháng 10, do nguồn cung thức ăn chăn nuôi toàn cầu bị thắt chặt và gián đoạn chuỗi cung ứng. Thước đo giá thịt toàn cầu của Liên Hợp Quốc đã tăng trong vòng 8 tháng liên tiếp. Đây là chuỗi tăng dài nhất tính từ năm 2011.
Cú sốc giá xảy ra trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang chật vật với tình trạng suy thoái kinh tế do dịch Covid-19. Các gia đình từ Brazil đến Philippines phải chi tiêu ít hơn, hoặc đổi sang những loại thực phẩm khác như trứng. Nhiều người thậm chí ăn cơm hoặc mì không.
Nhiều người giảm ăn thịt vì mất thu nhập do đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Món ăn xa xỉ
Đối với bà Eudelia Pena, 48 tuổi, thịt đã trở thành món ăn xa xỉ. Bà sống cùng chồng và một trong ba đứa con ở thành phố New York.
Giá thịt bò xay bán lẻ ở Mỹ đã tăng khoảng 6% kể từ trước đại dịch. Giá gà nguyên con và sườn lợn tăng lần lượt 9% và 15%, theo dữ liệu chính thức. Điều đó khiến gia đình bà Pena gần như không đủ tiền để mua thịt. Thu nhập của gia đình bị sụt giảm sau khi bà mất việc tại một cửa hàng quần áo.
"Chúng tôi từng đủ tiền mua hai con gà mỗi bữa. Nhưng giờ, tôi chỉ mua một con và phải chia đôi", bà Pena than vãn.
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng đang từ bỏ thịt vì lo ngại về vấn đề môi trường, sức khỏe và quyền lợi động vật. Xu hướng đó ngày càng được quan tâm trên toàn thế giới, đi cùng với sự bùng nổ của những thực phẩm từ thực vật.
"Thịt chưa từng bị đe dọa như hiện tại. Khi thịt trở nên quá đắt đỏ, người tiêu dùng sẵn sàng loại chúng khỏi bàn ăn", ông Tom Rees, Giám đốc Euromonitor International bình luận.
Nhiều người tiêu dùng đang từ bỏ thịt vì lo ngại về vấn đề môi trường, sức khỏe và quyền lợi động vật. Ảnh: Bloomberg. |
Theo ông, những thay đổi đến từ việc người tiêu dùng thay đổi thái độ về sức khỏe và tác động đối với khí hậu.
Ông Mario Cruz, một giáo viên sống tại Manila (tỉnh Bulacan, Philippines), bắt đầu trồng rau tại nhà sau khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch.
Trước đó, gia đình bốn người của ông thường chi 2.000 peso (41 USD) mỗi tuần để mua thịt. Nhưng giờ đây, ông Cruz gần như không mua nữa. "Hiện tại, chúng tôi đang áp dụng chế độ ăn chủ yếu là thực vật. Tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn", ông chia sẻ.
Theo một số nghiên cứu, nông nghiệp gây ra nhiều phát thải khí nhà kính toàn cầu hơn so với giao thông, phần lớn do chăn nuôi.
Tuy nhiên, với nhiều người, việc từ bỏ thịt đang làm trầm trọng hơn một trong những bất bình đẳng sâu sắc nhất trên thế giới. Đó là ai có thể nhận đủ thức ăn và nguồn dinh dưỡng, ai không.
Thay đổi thói quen
Theo cảnh báo được UN Nutrition đưa ra hồi tháng 6, việc không được tiếp cận đầy đủ với thịt và các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật khác là yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao kéo dài ở nhiều khu vực châu Á và châu Phi.
Phân tích cho thấy thịt và các sản phẩm từ động vật khác có thể giúp chống lại tình trạng suy dinh dưỡng gây ra còi cọc ở khoảng 1/5 trẻ nhỏ trên toàn thế giới.
“Rau, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc là rất cần thiết. Nhưng những sản phẩm từ động vật giàu chất dinh dưỡng có hiệu quả đặc biệt trong việc kéo trẻ nhỏ khỏi bờ vực của suy dinh dưỡng cấp tính và mạn tính", bà Naoko Yamamoto - Chủ tịch UN Nutrition - nhận xét.
Bà Fabiana Ribeiro da Silva, 36 tuổi, sống ở ngoại ô Colombo (bang Parana, Brazil) cảm nhận sâu sắc hơn ai hết tình trạng thiếu thịt. Bà buộc phải cắt giảm chi tiêu sau khi mất việc.
Trước đại dịch, gia đình bà Fabiana Ribeiro da Silva luôn có thịt gà trên bàn ăn mỗi ngày và thịt bò một lần một tuần. Giờ đây, họ chủ yếu ăn gạo và đậu.
Không dữ liệu nào chỉ ra nhu cầu về thịt trên toàn cầu đang giảm. Nguyên nhân là hầu hết thước đo chỉ ước tính mức tiêu thụ liên quan đến sản xuất. Nó giả định rằng khi nguồn cung có đủ, chúng sẽ được tiêu thụ hết.
Đại dịch đã hủy hoại tất cả. Chúng tôi từng bán 4.000-5.000 kg thịt mỗi tháng, giờ chỉ còn 2.000 kg. Mọi người phải chắt chiu từng đồng
- Ông Ricardo Lamboglia, người làm nghề bán thịt ở Buenos Aires
Và sản xuất chăn nuôi dự kiến tăng trưởng trong năm nay, sau khi Trung Quốc phục hồi từ đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Với công thức đó, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc ước tính tiêu thụ thịt bình quân đầu người toàn cầu sẽ tăng 1,2% vào năm 2021, sau khi giảm 0,7% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, ngay cả ở Trung Quốc, các thực phẩm từ thực vật đang đạt được sức hút mới, theo nhà phân tích Darin Friedrichs tại StoneX Group Inc.
Các thế hệ trẻ ngày càng có ý thức về sức khỏe. Họ ít lựa chọn thịt hơn, trong khi nhiều nhà hàng cao cấp và thời thượng cũng phục vụ những thực phẩm từ thực vật.
Đối với ông Ricardo Lamboglia, người làm nghề bán thịt ở khu Mataderos của Buenos Aires, mọi thứ đang trở nên im ắng lạ thường. Khu vực được xem là trung tâm của các cửa hàng thịt, từng rất ồn ào và "hầu như không thể di chuyển trên vỉa hè", theo ông Lamboglia.
"Đại dịch đã hủy hoại tất cả. Chúng tôi từng bán 4.000-5.000 kg thịt mỗi tháng, giờ chỉ còn 2.000 kg. Mọi người phải chắt chiu từng đồng", ông chia sẻ.