Theo New York Times, hồi tháng 4/2020, khi 2.000 người Mỹ tử vong mỗi ngày vì Covid-19, CEO Amazon Jeff Bezos - tỷ phú giàu nhất thế giới - tuyên bố ông tập trung vào con người thay vì lợi nhuận.
Tập đoàn sẽ chi khoảng 4 tỷ USD trong vài tháng tới để "hỗ trợ khách hàng và nhân viên", xóa sạch lợi nhuận mà hãng bán lẻ có thể kiếm được nếu không có virus.
Đó là một động thái khôn ngoan của Amazon - hy sinh lợi nhuận vào thời điểm khó khăn và sợ hãi. Ông Bezos cho biết đây là "khoản thời gian thử thách nhất mà chúng ta từng đối mặt" và đề xuất kéo dài phương pháp mới vô thời hạn.
Đến cuối tháng 7/2020, Amazon công bố kết quả kinh doanh hàng quý. Thay vì con số 0, lợi nhuận của công ty đạt 5,8 tỷ USD - mức kỷ lục đối với một doanh nghiệp. Tập đoàn của tỷ phú Bezos liên tục ghi nhận kỷ lục mới trong những tháng sau đó.
Hàng trăm nghìn người Mỹ đã chết vì virus, biến thể Delta mới đang hoành hành, số lượng công ty phá sản đạt mức cao nhất trong vòng một thập kỷ. Các nhà hàng, hãng hàng không, phòng tập thể hình, bảo tàng, cửa hàng tạp hóa, khách sạn, rạp chiếu phim và công viên giải trí đóng cửa hàng loạt. Hàng triệu công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp. Còn ngành công nghiệp phát triển phi mã.
Đại dịch Covid-19 và các hạn chế nhằm ngăn ngừa virus lây lan khiến người Mỹ chuyển nhiều hoạt động sang trực tuyến. Ảnh: Reuters. |
Kiếm lời từ đại dịch
Định giá của Apple, Alphabet, Nvidia, Tesla, Microsoft, Amazon và Facebook trên thị trường chứng khoán đã tăng khoảng 70% lên hơn 10.000 tỷ USD, gần bằng quy mô của toàn bộ thị trường chứng khoán Mỹ năm 2020. Chỉ riêng Apple đã đủ tiền để trao 600 USD cho mỗi người Mỹ.
Thung lũng Silicon chưa bao giờ gặt hái nhiều đến thế. Trong năm 2020, các công ty niêm yết cổ phiếu nhiều hơn năm 2019 và huy động được số tiền lớn gấp đôi. Ước tính của Forbes chỉ ra 365 tỷ phú đã giàu lên nhờ công nghệ, tăng từ 241 người trước dịch.
Thung lũng Silicon đã tạo ra những công cụ giúp người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ sống sót. Thay vì mua hàng trực tiếp, khách hàng mua máy lọc không khí và nhiệt kế thông qua Amazon.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa các tập đoàn công nghệ lớn và phần còn lại đang ngày càng gia tăng. Trong báo cáo Power, Profits and the Pandemic do Oxfam phát hành hồi tháng 9/2020, Giám đốc điều hành Oxfam International Chema Vera bình luận dịch Covid-19 là bi kịch đối với nhiều người, ngoại trừ một số cá nhân hưởng đặc quyền đặc lợi.
"Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ một mô hình kinh tế gian lận. Ở đó, các tập đoàn lớn nhất thế giới kiếm hàng tỷ USD và chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông và tỷ phú. Còn người gánh chịu chi phí là người lao động có mức lương thấp", ông nhấn mạnh.
Cuộc suy thoái giúp các công ty vốn đã hoạt động tốt hưởng lợi
Giáo sư tài chính Thomas Philippon
"Nguồn tiền giới hạn được trao cho các doanh nhân vốn đã rất giàu có vào thời điểm mà hàng trăm triệu người đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch. Phụ nữ, những người dân tộc thiểu sổ hoặc người di cư bị ảnh hưởng đáng kể", ông Vera nhấn mạnh.
Theo giáo sư tài chính Thomas Philippon tại Đại học New York, việc áp dụng kỹ thuật số đã giúp ích cho những doanh nghiệp nhỏ hơn. Chẳng hạn, các nhà hàng phải nhanh chóng thích ứng để bán hàng trực tuyến và giao hàng.
Nhưng ông cũng tin rằng đại dịch mở rộng khoảng cách giữa những công ty lớn và giàu có, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ và phần còn lại của thế giới. "Cuộc suy thoái giúp các công ty vốn đã hoạt động tốt hưởng lợi", ông bình luận.
New York Times nhận định chưa một ngành công nghiệp nào nắm giữ sức mạnh lớn như vậy đối với cuộc sống của người Mỹ, chi phối cách mọi người giao tiếp, mua sắm, tìm hiểu về thế giới và tìm kiếm niềm vui.
Câu hỏi đặt ra là Thung lũng Silicon sẽ làm gì với quyền lực này. Câu hỏi đó khiến ngành công nghiệp trở thành mối lo ngại đối với các nhà chức trách Mỹ.
Theo New York Times, trở ngại lớn nhất đối với ngành công nghiệp công nghệ hiện nay là chính phủ. Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ mới bỏ phiếu để thúc đẩy một loạt dự luật nhằm giảm quyền lực của các công ty công nghệ thống trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bổ nhiệm những quan chức có quan điểm sắc bén về Big Tech (các tập đoàn công nghệ lớn).
Quá lớn để sụp đổ
Cùng với đó, vài tuần trước đại dịch, RAND Corporation đã công bố một nghiên cứu về rủi ro hệ thống, cũng như những vấn đề có thể xảy ra khi một công ty tạo ảnh hưởng quá lớn.
Rủi ro hệ thống là vấn đề đứng sau vụ sụp đổ tài chính hồi năm 2008. Chính phủ phải hỗ trợ một số công ty vì một khi chúng sụp đổ, toàn bộ hệ thống sẽ bị ảnh hưởng theo. Hay nói cách khác, những công ty này quá lớn để thất bại.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu các tập đoàn công nghệ có trở thành mấu chốt của nền kinh tế, và sự phát triển của nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào chúng hay không.
Nghiên cứu của RAND được công bố trong bối cảnh công ty an ninh mạng SolarWinds bị tin tặc Nga tấn công. SolarWinds có rất nhiều khách hàng, bao gồm cả những công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và các cơ quan liên bang. Đây là một trong những vụ tấn công mạng tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Sự thống trị của công nghệ có nghĩa là rủi ro tập trung hơn bao giờ hết. Sự cố đã xảy ra tại công ty bảo mật Cloudflare hồi tháng 7/2020, Amazon vào tháng 11, Fastly tháng trước và mạng phân phối Akamai hôm 22/7.
Tại Mỹ, một "câu lạc bộ" nhỏ các tập đoàn lớn thống trị thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. |
Các tập đoàn công nghệ cũng nắm giữ "quyền lực tối thượng" trên sàn chứng khoán Mỹ. Trên South China Morning Post, chiến lược gia tài sản Patrik Schowitz của JP Morgan Asset Management nhận định đó là một thực trạng nguy hiểm ở trung tâm tài chính Mỹ.
Chuyên gia Schowitz cảnh báo tình trạng này có thể khiến thị trường chứng khoán của một quốc gia hay một khu vực lao đao khi có tin xấu về một nhóm nhỏ doanh nghiệp hoặc một ngành công nghiệp. Điều đó giống với việc một người nông dân chỉ trồng một loại cây. Khi loại cây đó bị sâu, cả mùa vụ sẽ thất thu.
Ở Mỹ, một "câu lạc bộ" nhỏ các tập đoàn lớn thống trị thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường Mỹ chiếm gần 60% thị trường chứng khoán toàn cầu và được coi là phong vũ biểu (barometer) của sức khỏe nền kinh tế thế giới.
Thị trường chứng khoán Mỹ vốn mang tính phòng thủ cao, giờ trở thành một những màn cá cược đầy rủi ro
Chiến lược gia tài sản Patrik Schowitz
Nhà phân tích Schowitz nhận định bất kể việc giá cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng mạnh có dựa trên các nền tảng kinh doanh cơ bản và dài hạn hay không, hiện tượng này vẫn khiến thị trường chứng khoán Mỹ trở nên dễ tổn thương hơn. Phố Wall có thể chấn động bất kỳ lúc nào, khi niềm tin của các nhà đầu tư với ngành công nghệ thay đổi.
Các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ đang kinh doanh thuận lợi, thu về lợi nhuận cao. Một số thậm chí còn hưởng lợi lớn từ những đảo lộn kinh tế - xã hội do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu công nghệ đã đẩy định giá những công ty này lên quá cao so với thực tế. Do đó, giá cổ phiếu có thể trồi sụt tùy theo tâm lý nhà đầu tư.
"Thị trường chứng khoán Mỹ vốn mang tính phòng thủ cao, giờ trở thành một những màn cá cược đầy rủi ro", chuyên gia Schowitz nhấn mạnh. Đây không phải lần đầu tiên thị trường chứng khoán Mỹ gặp vấn đề này. Bong bóng công nghệ xuất hiện trong giai đoạn cuối thập niên 1990. Xa hơn nữa, đầu thập niên 1970 chứng kiến sự thống trị của "Nifty 50".
"Trước năm 2008, khi giá nhà liên tục tăng và tăng, không ai muốn nghe về việc chúng bị thổi phồng vô lý ra sao và tại sao nó lại là vấn đề", ông Jonathan Welburn, tác giả chính của nghiên cứu của RAND, nhận định.