Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

IMF: 'Mở rộng quy mô tiêm chủng là điều quan trọng nhất với Việt Nam'

Nói với Zing, đại diện IMF khẳng định để nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh trong những tháng tới, Việt Nam cần khẩn trương mở rộng quy mô tiêm chủng.

Kinh te Viet Nam anh 1

Những ngày qua, TP.HCM đối mặt áp lực lớn khi ngày càng nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây xuất hiện, đặc biệt, các ca bệnh ít có triệu chứng, số người liên quan lớn. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết những điểm nóng như TP.HCM, Đà Nẵng xuất hiện nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, chưa xác định được.

Trao đổi với Zing, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Việt Nam - nhận định ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng hàng đầu với Việt Nam là khẩn trương mở rộng quy mô tiêm chủng.

Ông Painchaud cũng đưa ra một số khuyến nghị giúp Việt Nam bổ sung, cải thiện các chính sách hỗ trợ kinh tế, đồng thời giám sát mạnh mẽ và giải quyết kịp thời những rủi ro hệ thống tài chính.

Kinh te Viet Nam anh 2

Tổng cộng trong ngày 22, 23 và 24/6, TP.HCM có 438.502 lượt người đến tiêm vaccine. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ưu tiên hàng đầu

- Ông đánh giá thế nào về tác động của đợt bùng dịch mới đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, thưa ông?

- Việt Nam đã ngăn chặn thành công các đợt bùng phát trước đây nhờ những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, tích cực truy vết, cách ly, xét nghiệm và truyền thông minh bạch.

Không may là bất chấp những nỗ lực liên tục của Việt Nam để ngăn chặn virus, đợt bùng phát hiện tại ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ trước đến nay. Các biện pháp kiểm soát virus được tái áp dụng ở từng địa phương. Tuy nhiên, virus đã lây lan ra nhiều tỉnh thành, bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Các khu công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng, nhiều công ty bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Đợt bùng dịch mới còn cản trở đà phục hồi của ngành dịch vụ.

Tác động về mặt sức khỏe và kinh tế phụ thuộc vào việc đợt bùng phát này nghiêm trọng đến mức nào và sẽ kéo dài trong bao lâu, cũng như những đợt bùng dịch có thể xảy ra tương lai, nhất là với tỷ lệ tiêm chủng thấp hiện tại của Việt Nam.

Dù chưa rõ về tác động cuối cùng của dịch bệnh đối với tăng trưởng, nhưng chắc chắn sẽ là tác động tiêu cực, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ tổn thương nhất.

Những dự báo trước đó cũng sẽ được điều chỉnh lại. Quan trọng hơn cả, đợt bùng phát hiện tại cho thấy Việt Nam - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực - cần khẩn trưởng mở rộng quy mô tiêm chủng.

Kinh te Viet Nam anh 3

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú IMF tại Việt Nam.

- Theo ông, Việt Nam cần đưa ra thêm các gói kích thích như thế nào để đối phó với những tác động của đợt dịch Covid-19 mới nhất?

- Kiểm soát dịch bệnh và tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế rất quan trọng, nhưng việc khẩn trương mở rộng quy mô tiêm chủng mới là điều quan trọng hàng đầu để giúp đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng và năm tới.

Năm ngoái, Việt Nam đã áp dụng một loạt biện pháp trong lĩnh vực tài khóa, tiền tệ và tài chính nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với người dân.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý và nhanh chóng đưa ra khung pháp lý để các ngân hàng có thể trợ giúp người đi vay.

Việc hỗ trợ tiền trực tiếp cho những đối tượng dễ bị tổn thương đã được mở rộng. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện, tiếp nhận và mức độ bao phủ vẫn còn thấp. Điều đó cho thấy khả năng hạn chế và các tiêu chí chọn lọc đối tượng vẫn còn quá khắt khe và rườm rà.

Những tiêu chí này cần được nới lỏng. Ngoài ra, việc xác định tốt hơn các đối tượng nhận hỗ trợ cấp chính quyền địa phương cũng sẽ tăng tốc độ giải ngân.

Đối với các doanh nghiệp, việc hoãn thuế không có nhiều tác dụng khi lợi nhuận yếu, nhất là trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thay vào đó, kết chuyển lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp ngược về trước có thể được cân nhắc để cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp.

Việt Nam cũng có thể xem xét các điều khoản tạm thời đối với khấu hao nhanh, hỗ trợ thuế đầu tư, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn nhưng có triển vọng ở các lĩnh vực ưu tiên.

Cuối cùng, chính phủ có thể can thiệp một cách có chọn lọc để giúp đỡ các công ty chiến lược, triển vọng, đang đối mặt với những khó khăn liên quan đến đại dịch thông qua việc bơm vốn. Vốn cần được báo cáo và giám sát minh bạch với các chiến lược rút lui rõ ràng.

Cảnh giác rủi ro bong bóng

- Theo ông, cần làm gì để đề phòng rủi ro bong bóng khi nới lỏng tài khóa và tiền tệ?

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan quản lý tài chính khác phải luôn cảnh giác. Những dấu hiệu của một bong bóng tài sản chung vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, đòn bẩy của các doanh nghiệp niêm yết đang tăng lên, nợ hộ gia đình cao hơn mức trung bình của thị trường mới nổi.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc tiếp tục giám sát mạnh mẽ, cùng với những nỗ lực kịp thời để giải quyết các khoản vay có vấn đề, tăng cường khuôn khổ quản lý và giám sát sẽ giúp giải quyết những rủi ro hệ thống tài chính.

Các ngân hàng cần tăng cường vị thế vốn hơn nữa trong trung hạn và áp dụng đầy đủ yêu cầu của Basel II đến đầu năm 2023 nhằm củng cố khả năng phục hồi của ngành.

Những dấu hiệu của một bong bóng tài sản chung vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, đòn bẩy của các doanh nghiệp niêm yết đang tăng lên, nợ hộ gia đình cao hơn mức trung bình của thị trường mới nổi

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú IMF tại Việt Nam

Một chiến lược bảo mật vĩ mô toàn diện, được hỗ trợ bởi báo cáo dữ liệu tiên tiến, cũng sẽ rất cần thiết cho việc quản lý rủi ro tín dụng.

- Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam để vừa giữ đà tăng trưởng của nền kinh tế, vừa kiểm soát đại dịch và đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính?

- Trước hết, Việt Nam cần khẩn trương mở rộng quy mô triển khai tiêm chủng. Nếu không, đất nước có thể tiếp tục là đối tượng của các đợt bùng phát dịch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hiện đại hóa các thể chế kinh tế đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn.

Việc tăng cường nguồn thu sẽ rất cần thiết để tạo không gian nhằm tăng quy mô chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và mở rộng quy mô ưu tiên xã hội, từ đó hỗ trợ tăng trưởng bền vững và bao trùm, cũng như tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu.

Kinh te Viet Nam anh 6

Các cơ quan quản lý tài chính cần luôn cảnh giác trước những rủi ro bong bóng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tỷ giá hối đoái hai chiều linh hoạt hơn và hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ sẽ giúp nền kinh tế thích nghi với sự thay đổi của môi trường bên ngoài.

Hơn nữa, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện môi trường kinh doanh và san bằng sân chơi, bao gồm thông qua việc đơn giản hóa và giảm gánh nặng pháp lý mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước phải đối mặt, giảm chi phí đầu vào và đầu ra cho doanh nghiệp chính thức, cải thiện khả năng tiếp cận đất đai và nguồn tài chính, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm tham nhũng và đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Cuối cùng, giảm thiểu tình trạng sai lệch kỹ năng lao động cùng với việc tăng cường tiếp cận nguồn vốn nhân lực và công nghệ cũng sẽ thúc đẩy năng suất lao động.

Giám đốc ADB: 'Việt Nam nên hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân'

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng ngoài hoãn thuế và tiền thuê, Chính phủ nên hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm