Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hướng dẫn cách sống khỏe từ thực dưỡng

Cuốn sách của tác giả Đặng Ngọc Viễn nêu định nghĩa, phương pháp thực hành và tác dụng của thực dưỡng.

Người xưa có câu “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, ý nói bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa cũng từ miệng mà ra. Ngày nay, có nhiều phương pháp, chế độ ăn khác nhau cùng chung mục đích là ăn uống đúng để tránh bệnh tật, giúp cơ thể khỏe mạnh, đầu óc sáng suốt.

Sách Thực dưỡng và những cuộc hồi sinh kỳ diệu của Đông y sĩ Đặng Ngọc Viễn viết về thực dưỡng cũng như tác dụng của phương pháp này.

Thuc duong anh 1

Sách Thực dưỡng và những cuộc hồi sinh kỳ diệu. Ảnh: Y.N.

Ăn đúng để khỏe mạnh

Cũng như bao người khác, tác giả Đặng Ngọc Viễn mong muốn có được sức khỏe hoàn thiện và trí tuệ ngày một phát triển. Ông từng đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao mình bị bệnh? Tại sao ngày càng nhiều người ốm? Có cách nào để tránh bệnh không? Làm sao cho mình được sáng suốt?

Ông tìm được câu trả lời ở thực dưỡng. Y sĩ Đông y Đặng Ngọc Viễn cho biết hơn 10 năm qua, ông không còn bận tâm tới bệnh tật, làm việc vui vẻ, ít mệt mỏi, tràn đầy sức sống. Vui vẻ với từng ngày trôi qua, những phiền muộn, âu lo chỉ thoáng qua. Ông ví việc áp dụng thực dưỡng như một “cuộc hồi sinh kỳ diệu” khi phương pháp ăn đúng giúp vượt qua bệnh tật.

Đúc rút từ kinh nghiệm và kiến thức của mình, tác giả đã thực hiện cuốn Thực dưỡng và những cuộc hồi sinh kỳ diệu với mục đích chia sẻ đến nhiều người hơn một phương pháp ăn tốt cho sức khỏe.

Cuốn sách chia làm 6 phần, đi từ định nghĩa, mục đích, cơ sở lý luận của thực dưỡng cho đến phương pháp, chế độ ăn và kết quả của những người áp dụng thực dưỡng.

Ở phần đầu, sách đưa định nghĩa giúp người chưa tường tận về thực dưỡng có cái nhìn khái quát: “Thực dưỡng là cách ăn uống và sinh sống thuận theo tự nhiên, lấy triết lý âm dương làm nền tảng và lấy ngũ cốc làm thức ăn chính”.

Thực dưỡng (macrobiotics) mới xuất hiện để phân biệt với cách ăn uống trái với tự nhiên.

Theo tác giả, từ khi khoa học phát triển, con người dần dần sinh sống và ăn uống nghịch với thiên nhiên. Gạo đem đi xay trắng, con người sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, thuốc diệt cỏ trong trồng trọt. Chu trình chăn nuôi cũng trái tự nhiên như sử dụng chất tạo nạc, thuốc giữ nước. Trong chế biến thực phẩm, con người sử dụng chất bảo quản, chất tạo độ sánh, chất chống đông, tạo màu, tạo mùi, tẩy trắng…

Các hóa chất này làm thay đổi thành phần và tính chất của thức ăn, là nguyên nhân tạo ra các loại bệnh. Bên cạnh chế độ ăn, lối sống của con người cũng thay đổi. Làm đêm ngủ ngày, đầu óc căng thẳng, áp lực công việc… gây xáo trộn nhịp sinh học. Tất cả đều tác động tiêu cực tới sức khỏe, trái tự nhiên.

Hiểu một cách đơn giản thì thực dưỡng là trở về chế độ thuận tự nhiên, ăn thực phẩm như gạo lứt, ngũ cốc, không sử dụng hóa chất trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản thực phẩm.

Thuc duong anh 2

Gạo lứt là thực phẩm quan trọng của thực dưỡng. Ảnh: K.M.

Cứ ăn gạo lứt là thực dưỡng?

Cuốn sách chỉ ra thực phẩm chính của thực dưỡng là gạo lứt, ngũ cốc; nhưng chỉ ăn gạo lứt không thì chưa đủ. Tác giả nêu tám tiêu chuẩn chọn gạo lứt tốt như: Giống lúa, thời gian canh tác (trong 6 tháng), màu sắc, yếu tố tự nhiên khi trồng… Công thức nấu cơm lứt bằng nồi thường, nồi áp suất, cách bảo quản, hâm cơm lứt… được nêu trong sách.

Tác giả cũng hướng dẫn cụ thể cách ăn cơm gạo lứt, cách nhai, giờ ăn. Giờ ăn sáng nên trước 7h, ăn trưa trước 12h và ăn chiều trước 18h; đặc biệt, không nên ăn trước khi ngủ hai tiếng.

Ngoài gạo lứt (gạo còn lớp cám và phôi), các thực phẩm khác của thực dưỡng là rau củ, nước uống, gia vị. Đối với rau củ, nên ăn loại trồng ở địa phương, trồng không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng.

Chế độ thực dưỡng không chỉ quan tâm đến thực phẩm mà cả đồ dùng trong gian bếp. Một món ăn ngon bổ dưỡng không những nhờ sự khéo léo của người nấu mà còn tùy thuộc vào chất liệu của vật dụng nấu, lửa, nước.

Theo đó, vật dụng nấu (nối, chảo, ấm) tốt nhất làm bằng đất, sau đó tới thủy tinh, gang. Không nên sử dụng vật để nấu bằng nhôm; tránh dùng vật liệu nhựa, đồ gốm quá nhiều hoa văn để đựng thức ăn.

Mục đích của thực dưỡng là giúp con người có sức khỏe, trí tuệ tốt. Do đó, mỗi người bước vào thực dưỡng nên kiểm tra sức khỏe của mình và lặp lại vào đầu mỗi tháng. Bài kiểm tra sức khỏe theo 7 điều kiện: Không mệt mỏi, ăn ngon, ngủ ngon, trí nhớ tốt, vui vẻ, quyết định nhanh chóng và hành động chính xác, không nói dối.

Bên cạnh chuyện ăn uống, sách nêu cách thiền để “dưỡng tâm”. Con người gồm hai phần thân và tâm. “Thân” là vật chất thấy được, được nuôi dưỡng bằng thức ăn. Còn “tâm” không thấy được bằng mắt thường, cần dưỡng bằng thiền.

Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về thực dưỡng, tác giả nêu những quy luật thức ăn trong thiên nhiên, trật tự môi trường sống, tính âm dương trong thực phẩm.

Ở phần cuối sách, “Nhân chứng thực dưỡng”, tác giả và các nhân vật kể về trải nghiệm thực dưỡng của mình. Các nhân vật trong sách thuộc nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau, song họ đều thay đổi chế độ ăn và cho biết sức khỏe được cải thiện.

20 điều cần ghi nhớ để có cuộc sống vui, khỏe

Nắm vững kiến thức về thực phẩm, có thói quen sinh hoạt và rèn luyện điều độ sẽ giúp bạn có sức khỏe dẻo dai, trẻ lâu.

Hiểu về thực phẩm để có chế độ ăn uống lành mạnh

Những cuốn sách cung cấp kiến thức khoa học về thịt cá, rau củ, gia vị… giúp người đọc hiểu sâu về thực phẩm, lựa chọn được nguyên liệu an toàn, phù hợp.

Chong dich qua nhung trang sach hinh anh

Chống dịch qua những trang sách

0

Không chỉ nhanh chóng làm ra những cuốn sách để phổ biến kiến thức chống virus, giới xuất bản còn mua bản quyền, thực hiện ấn phẩm giúp bạn đọc nhìn sâu hơn về đại dịch Covid-19.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm