Những tựa sách dưới đây sẽ cung cấp kiến thức khoa học đằng sau mỗi món ăn. Từ đó, độc giả có thể tự xây dựng một chế độ dinh dưỡng thích hợp cho bản thân và gia đình.
Hai cuốn sách Tẩy độc bếp và Ăn gì để không độc hại của Pha Lê. Ảnh: An ninh thủ đô. |
Bộ sách về ăn uống của tác giả Pha Lê
Ăn gì cho không độc hại và Tẩy độc bếp là hai quyển sách của tác giả Pha Lê, người từng lấy bằng thượng cấp Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu.
Quanh chuyện ăn uống, có nhiều lời đồn như sử dụng nhiều đậu nành làm tăng lượng hormone sinh dục nữ, gây ảnh hưởng sức khỏe nam giới; hay ăn nhiều socola đắng sẽ tốt cho tim mạch; ăn nhiều tinh bột sẽ béo...
Ăn gì cho không độc hại đưa ra cái nhìn khách quan về những “lời đồn” này để người đọc hiểu và chọn lựa chế độ ăn phù hợp. Tác giả tham khảo, nghiên cứu, so sánh thói quen ăn uống của người phương Đông và phương Tây, của người hiện đại với quá khứ, nhằm cung cấp thông tin đúng đắn trong sách.
Với cuốn Tẩy độc bếp, tác giả Pha Lê tập trung những kiến thức xoay quanh căn bếp của mỗi nhà: Từ chất liệu của nồi niêu xoong chảo, đến các loại gia vị Đông, Tây được sản xuất và sử dụng ra sao.
Không chỉ nêu ra những kiến thức đơn giản nhưng rất dễ bỏ qua về chuyện bếp núc, quyển sách còn gây bất ngờ với rất nhiều kiến thức hấp dẫn như: Loại muối nào đắt nhất thế giới, sự đa dạng của tương miso Nhật..
“Chúng ta không thể gom rau thịt cá lại, quơ đũa phép, đọc vài câu thần chú là món ăn tự động hiện ra. Chúng ta nấu ăn ở bếp, dù đó là bếp củi, bếp ga, hay bếp ngoài trời thì vẫn là bếp… Như vậy, để chăm sóc bếp và lo cho cái sự ăn của mỗi cá nhân, chúng ta cần hiểu bếp theo nghĩa căn bản nhất” - trích Tẩy độc bếp.
"Ta biết gì khi ta ăn"
Cuộc sống hiện đại lấy đi của con người nhiều thời gian. Khoa học kỹ thuật mang lại cho mỗi gia đình những giải pháp về thực phẩm tiện lợi và nhanh chóng.
Giữa vô số thực phẩm trong siêu thị, chúng ta phải chọn như thế nào cho đúng? Trong menu có vô vàn món giải khát bắt mắt, món nào không có hại? Ta biết gì về các loại thức ăn? Ta biết gì khi ta ăn (tác giả Minh Giang) phần nào giúp độc giả trả lời những câu hỏi ấy.
Không có phần bố cục với nhiều chương mục, mỗi thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đều được lồng ghép trong những tình huống rất quen thuộc.
11 chương là 11 câu chuyện với bối cảnh, nhân vật khác nhau sẽ chuyển tải những kiến thức khoa học trong chuyện ăn uống một cách tự nhiên và mềm mại nhất.
Sách Biết thì đã ngon. Ảnh: Quân Đặng. |
"Biết thì đã ngon"
Từ trong bếp đến ra ngoài chợ, từ mâm cơm nhà tới ly cà phê vỉa hè, món đồ ăn thức uống nào cũng ẩn chứa những điều thú vị.
Biết thì đã ngon là tác phẩm của nhóm tác giả: Tố Linh, Uyên Win, Quân Đặng, Diệu Trang, Việt Hà. Cuốn sách nhỏ này là một nồi đầy những kiến thức: Hơi “lạ bụng”, nhưng "dễ tiêu".
"Dễ tiêu" ở chỗ, kiến thức trong quyển sách không nằm ở đâu xa xôi, mà ngay trong những gì mọi người ăn hàng ngày: Tại sao rau xanh có màu xanh, củ dền có màu đỏ? Cách thức làm đậu phụ và phô mai “con bò cười” giống nhau một cách bất ngờ?
Quyển sách còn "dễ tiêu" hơn nữa khi có rất nhiều hình ảnh minh họa sinh động và ấn tượng.
"Ăn uống là hạnh phúc"
Ăn uống là hạnh phúc của bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo tập trung chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Chuyện ăn uống của trẻ nhỏ là một đề tài rất cơ bản, nhưng thường gây căng thẳng cho con trẻ, cho cha mẹ và nhiều người khác trong gia đình.
Chuyện ăn uống ảnh hưởng sức khỏe của các bé và cả sự tương tác yêu thương tích cực trong gia đình.
Sách tập hợp những kiến thức khoa học về chất dinh dưỡng cho bé, kèm theo bảng biểu về chiều cao, cân nặng và khuyến cáo về bữa ăn cho bé ở các nước Anh, Australia, Mỹ.
Đây là nguồn kiến thức tham khảo hữu ích dành cho các ông bố bà mẹ trẻ. Với kiến thức khoa học thiết thực, dễ áp dụng, sách đã được nhiều độc giả tìm đọc và tái bản chỉ sau một tuần ra mắt.