Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hùng Dũng gãy chân và nghịch lý xoạc bóng tại Việt Nam

"Đó là cú tắc bóng tồi tệ và đi ngược lại tinh thần của bóng đá", trưởng bộ phận huấn luyện của CLB Oldham, Conor Marlin, chia sẻ với Zing về pha bóng khiến Hùng Dũng gãy chân.

Phân tích

Hung Dung anh 1

Ivano Blason, trung vệ khét tiếng dữ dằn của Italy, nổi tiếng với câu chuyện kẻ vạch trên sân và thách đối phương bước qua nếu muốn bị gãy chân. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thập niên 50, khi bóng đá vẫn sơ khai và luật chưa chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cầu thủ.

Cú tắc bóng kinh hoàng của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng trên sân Thống Nhất tối 23/3 vì vậy là trải nghiệm kinh hoàng với bất kỳ ai theo dõi, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Bóng đá đã đi con đường dài từ thời điểm những cầu thủ chém đinh chặt sắt như Ivano Blason được coi trọng, nhưng tại Việt Nam, các pha va chạm như thời mông muội ấy vẫn xuất hiện.

Hung Dung anh 2

Hùng Dũng gãy xương chày và xương mác sau cú đạp của Hoàng Thịnh. Ảnh: Quang Thịnh.

"Đi ngược lại tinh thần bóng đá"

"Xoạc bóng đi với cay cú thật ngu xuẩn", trưởng bộ phận huấn luyện của CLB Oldham Athletic, Conor Marlin, nhấn mạnh với Zing. "Tôi có thể thấy chân của anh ấy bị gãy. Thật kinh hoàng".

Có một nghịch lý về xoạc bóng: Đây là hành động biểu tượng của phòng ngự, nhưng không phải lúc nào cũng cần thiết. Paolo Maldini, hậu vệ hay bậc nhất lịch sử, từng thừa nhận xoạc bóng đồng nghĩa với việc chọn vị trí không tốt. Một hậu vệ giỏi sẽ biết cách đọc tình huống để chặn đối phương mà không cần tới những cú xoạc bóng.

Hung Dung anh 3

HLV Park bàng hoàng trước chấn thương của cậu học trò cưng. Ảnh: Quang Thịnh.

Xabi Alonso, tiền vệ phòng ngự trứ danh của bóng đá Tây Ban Nha, tin rằng xoạc bóng "không phải thước đo chất lượng". "Đó là lựa chọn cuối cùng và bạn sẽ cần nó, nhưng đó không phải một phẩm chất", Alonso nói vào năm 2011 với Guardian.

Vẫn có cầu thủ nâng cú tắc bóng lên hàng nghệ thuật như Alessandro Nesta nhưng số này là quá ít với những người sẵn sàng phi cả hai chân vào đối thủ như Hoàng Thịnh làm với Hùng Dũng trên sân Thống Nhất.

Ở vị trí cách hơn 30 m so với khung thành, cú vào bóng như vậy có thực sự cần thiết? Trong bối cảnh tỷ số đang là 0-0, cú vào bóng của Hoàng Thịnh tạo cảm giác dằn mặt đối phương hơn là tranh chấp lấy bóng trong chân người đồng đội ở tuyển quốc gia.

"Vào bóng bằng cả hai chân đồng nghĩa với thẻ đỏ. Bóng đá tiến hóa dần cùng với luật lệ. Đó là thay đổi lớn", Conor nói về bóng đá Anh hiện tại. Sau nhiều năm với những chấn thương kinh hoàng của Aaron Ramsey, Eduardo hay gần nhất là Andre Gomes, bóng đá Anh đang dần hạn chế những cú tắc bóng có thể khiến người nhận đi tong sự nghiệp.

"Những cú xoạc như vậy giờ không còn nữa", Conor nhấn mạnh. Sự xuất hiện của VAR, công cụ có thể xét lại tình huống, cùng những án phạt cực nặng khiến các cầu thủ tại Anh dần chùn chân trong việc xoạc bóng triệt hạ đối thủ.

V.League và bóng đá Việt Nam nói chung không nằm trong cuộc tiến hóa này. VAR từng được xem xét đưa vào sử dụng "ở một số sân vận động có đủ cơ sở vật chất" ở nửa sau mùa giải V.League 2019 như phát biểu của VPF, nhưng kế hoạch tham vọng này biến mất lúc nào không hay.

Hùng Dũng đã gãy cả hai xương chân sau cú xoạc bóng kiểu ăn chân của Hoàng Thịnh, và sẽ ngồi ngoài ít nhất 6 tháng. Để hồi phục và lấy lại phong độ cũ là chuyện không tưởng. Trong lịch sử bóng đá thế giới, hiếm ngôi sao nào gãy chân ở thời điểm gần 30 tuổi mà có thể hồi phục và thi đấu với 70% phong độ.

Phần lớn giới mộ điệu lẫn chuyên môn (chuyên gia thể lực, bác sĩ) đều tin hình ảnh Hùng Dũng lên công về thủ không biết mệt mỏi giờ là câu chuyện của ngày hôm qua.

Hai mặt của lò Sông Lam

Hơn một tiếng trước khi Hoàng Thịnh đạp gãy chân Hùng Dũng trên sân Thống Nhất, tại Chi Lăng, Phan Văn Đức lập một cú đúp siêu phẩm giúp SLNA đánh bại Đà Nẵng 2-1. Bàn nào của cầu thủ xứ Nghệ cũng xuất sắc, thể hiện trọn vẹn phẩm chất kỹ thuật từng biến Đức thành của độc của HLV Park Hang-seo trên hàng công U23 cũng như ĐT Việt Nam.

Nhưng tất cả chìm nghỉm trước cú vào bóng triệt hạ của đàn anh đồng hương. Chỉ trong một đêm, tất cả thấy rõ hai mặt của lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam, Sông Lam Nghệ An: tài hoa không ít, bạo lực không thiếu.

Xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam, Nghệ An luôn là địa phương đóng góp những ngôi sao nổi tiếng bậc nhất. Từ Hữu Thắng, Văn Quyến, Công Vinh, Quốc Vượng, Huy Hoàng đến giờ là Công Phượng, Quế Ngọc Hải, Phan Văn Đức.

Hung Dung anh 4

Hoàng Thịnh không phải trường hợp đầu tiên xoạc bóng gãy chân đồng nghiệp tại V.League. Ảnh: Quang Thịnh.

Các khoảnh khắc vỡ òa của nhóm cầu thủ này thật khó để liệt kê chỉ trong nội dung một bài báo. Điều tương tự cũng tới với các hành vi bạo lực. Đình Đồng, Ngọc Hải và giờ là Hoàng Thịnh, tất cả đều là chủ nhân những pha ăn chân khó tin, tạo ra những hệ lụy kéo dài.

Xabi Alonso sau khi nhấn mạnh xoạc bóng "không phải thước đo chất lượng" đã chia sẻ như sau: "Khi còn thi đấu tại Liverpool, tôi thường tham gia các chương trình đào tạo trẻ và theo dõi các cầu thủ nhí trả lời phỏng vấn. Bên tuyển trạch sẽ hỏi đâu là điểm mạnh. Chúng luôn trả lời: 'Sút bóng và xoạc bóng'. Tôi không thể hiểu vì sao hệ thống đào tạo trẻ trên toàn thế giới lại coi xoạc bóng là một kỹ năng cần học, cần dạy, thậm chí trở thành cá tính trong lối chơi".

Alonso tin việc xoạc bóng được cổ súy là bởi sự ủng hộ của các CĐV. "Thật khó để thay đổi vì điều đó được ủng hộ bởi văn hóa bóng đá Anh. Nhưng tôi không thể hiểu được", Alonso nói.

Sau mỗi pha vào bóng 50-50 tại Anh khi ấy, cầu thủ luôn nhận được sự tán thưởng, kể cả khi không giành được bóng. Với không ít cầu thủ, đó là cách họ được công nhận.

Tại Việt Nam, câu chuyện cũng tương tự. Bạo lực luôn được coi là hình thái khác của mạnh mẽ, máu lửa hay thậm chí "tính đàn ông". Các CĐV coi những pha vào bóng của các cầu thủ là một phương diện để đánh giá sự nhiệt tình của họ. Tại các giải bóng đá trẻ, chuyện HLV đốc thúc cầu thủ trẻ chơi bóng máu lửa bằng cách chỉ đạo "chém gãy chân" đối thủ không còn quá xa lạ.

Câu chuyện tại Anh hơn 10 năm trước ấy giờ đã thay đổi. Thời gian giúp nền bóng đá xứ sở sương mù đào tạo những Phil Foden, Jadon Sancho thay vì Ryan Shawcross.

So sánh Anh với Việt Nam thì rõ là khập khiễng. Chúng ta có thể cần nhiều hơn 10 năm để tẩy tư tưởng vào bóng ăn chân đấy khỏi não trạng. Song, nền bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi bắt đầu từ chính các CĐV.

Thay vì ủng hộ và coi đó là biểu tượng của sự mạnh mẽ hay nhiệt tình, các CĐV hãy thẳng thắn chỉ trích, phê bình ngay trên khán đài với các cầu thủ vào bóng thô bạo.

Chỉ có vậy, những cú đạp hỏng chân đồng nghiệp như của Hoàng Thịnh mới ít đi, những siêu phẩm như của Phan Văn Đức mới xứng đáng được tôn vinh, và những chấn thương đáng tiếc như của Thanh Hào hay Hùng Dũng mới biến mất.

Phản ứng của 2 HLV về pha bóng của Hoàng Thịnh Ông Chu Đình Nghiêm và HLV Alexandre Polking đều tỏ ra tiếc nuối khi Hùng Dũng bị gãy chân sau pha vào bóng của Hoàng Thịnh.

Cần án phạt nặng nhất cho Hoàng Thịnh

Nhiều người cũng sẽ có một cảm giác như tôi khi xem lại đoạn băng về pha vào bóng cực kỳ thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm