Pha vào bóng của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng khiến tôi rùng mình và ớn lạnh sống lưng. Bóng đá đấy ư, V.League đấy ư, tranh chấp quyết liệt cần tàn bạo đến thế ư?
Thật khó có một câu trả lời thỏa đáng cho hành động của Thịnh, càng không thể bào chữa cho pha bóng ấy, khi đồng nghiệp của anh, một trụ cột của đội tuyển quốc gia, Quả bóng Vàng Việt Nam 2019 có thể nghỉ hết năm nay vì cú vào bóng ấy.
Hùng Dũng gãy chân sau pha vào bóng của Hoàng Thịnh. Ảnh: Quang Thịnh. |
Có đáng không Thịnh? Chắc chắn Thịnh sẽ nói là không, và tôi tin, trong tận sâu thẳm trái tim mình, Thịnh không bao giờ muốn Hùng Dũng chịu một chấn thương khủng khiếp có thể ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của đồng nghiệp như thế, không hề muốn trở thành người hứng chịu cơn thịnh nộ của người hâm mộ, và chắc chắn không thể muốn vì cú vào bóng ấy mà tước bỏ của đội tuyển Việt Nam một nhân tố then chốt ở tuyến giữa, khi chỉ 2 tháng nữa, chúng ta sẽ bước vào 3 trận cuối cùng của vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Hy vọng của đội tuyển chúng ta nằm ở đó.
Tình yêu của gần 100 triệu người hâm mộ cũng ở đó. Nhưng Thịnh đã làm gì, trong một tích tắc kinh khủng ấy?
Tôi tin, Thịnh không muốn thế, nhưng chính bản năng chơi bóng của em đã khiến em thành như thế. Đó là bản năng còn sót lại của một nền bóng đá đã chứng kiến rất nhiều pha bóng thô bạo kiểu như thế. Chúng không mất đi, mà vẫn tồn tại ở V.League, và chúng không bị trừng phạt một cách thích đáng, không bị chỉ trích và lên án một cách nặng nề, và vẫn được nhiều đội bóng cho phép áp dụng, với lời biện hộ nghe thật xuôi tai, “bóng đá phải thế”, “đấy là tính quyết liệt của bóng đá”.
Giải đấu này đã mang tên V.League và khoác cái áo chuyên nghiệp từ 2 thập kỷ nay, nhưng rất nhiều tệ nạn của nó vẫn còn đó, và thường chỉ bùng lên khi có một sự cố xảy ra. Đấy là chuyện liên quan đến trọng tài, cách hành xử của các ông bầu, và nhức nhối là thứ bóng đá tàn bạo đã biến V.League thành "Võ League". Và thường thì các vụ chỉ ầm ỹ một thời gian ngắn rồi lại chìm xuống, để rồi mùa sau lại xuất hiện.
Thịnh không phải là một cầu thủ kém. Thịnh đã là tuyển thủ quốc gia và vẫn được đánh giá cao về tài năng và sức chiến đấu. Nhưng thật khó có thể phủ nhận được rằng, Thịnh đã chơi rắn từ nhiều năm nay, và chất rắn ấy được thể hiện như một bản năng mà có vẻ như không HLV nào, không ông bầu nào uốn nắn chỉ bảo, và nó như những đám cỏ xấu mọc lên phá hỏng cái sân đẹp, đã không được kìm hãm, thậm chí trừng phạt.
Bản năng ấy đã trở thành một thói quen mà đôi khi người ta không thể nào ý thức nổi là thói quen ấy xấu, và nó có thể trở thành một hành động kinh khủng như đã xảy ra trong trận CLB TP.HCM gặp CLB Hà Nội, như cách Thịnh đã làm. Và Thịnh cũng chỉ là một cái tên trong bản danh sách khá dài những “gã tiều phu” của bóng đá Việt trong những năm qua.
Nhiều trong số đó đã bị kỷ luật, có những nạn nhân của họ chứng kiến phần tiếp theo sự nghiệp của họ tàn lụi như một hậu quả. Và Hoàng Thịnh cần nhận một án phạt nặng nhất có thể liên quan đến pha bóng này, không phải chỉ treo giò một vài trận, mà thậm chí cả mùa giải và bồi thường các chi phí điều trị chấn thương cho Dũng.
Hùng Dũng lỡ hẹn với vòng loại World Cup. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bạo lực trong bóng đá thực ra chỉ thể hiện sự bất lực. Đấy không phải là những hành động anh hùng, không phải là cách thể hiện của sự quyết liệt như ai đó có thể biện hộ. Và những pha bóng đầy bạo lực như thế này phải bị loại trừ thẳng tay trong bóng đá Việt.
Một án phạt nặng cho Thịnh cần phải có, nhưng chính các đội bóng cũng nên nhìn lại bản thân cầu thủ của họ, và các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ có thể lấy chính những hình ảnh ghê rợn của pha vào bóng để giáo dục chính các em nhỏ đang ước mơ trở thành ngôi sao sau này. Đó là giáo dục không chỉ về chuyên môn, mà còn về đạo đức nữa, đạo đức cầu thủ và đạo đức làm người.