Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chúng ta mất quá nhiều khi Hùng Dũng gãy chân

Bóng đá là môn thể thao đối kháng và thường có phạm lỗi, nhưng cú xoạc từ Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng không thể chấp nhận.

Bình luận

Hung Dung anh 1

Có nhiều người vẫn nói “bóng đá là môn thể thao đối kháng, là nam tính, là quyết liệt và vì thế, va chạm, chấn thương là chuyện thường tình”. Chấn thương là một phần của đời sống bóng đá dù không ai thích cái “một phần” ấy cả. Nhưng nếu tất cả những ai từng nói câu kể trên nhìn vào chấn thương của Hùng Dũng ở trận CLB TP.HCM và Hà Nội, chắc hẳn họ sẽ muốn rút lại lời.

Những hình ảnh chụp lại pha va chạm giữa Hoàng Thịnh và Hùng Dũng để lại sự sợ hãi thực sự cho những ai xem nó. Đã có những bình luận dưới những tấm ảnh được chia sẻ đại ý là “bạn ơi, rút ảnh đi được không”. Cơ bản, hình ảnh ấy ám ảnh vô cùng, và nó vượt quá giới hạn chịu đựng của một con người bình thường.

Pha bóng kinh hoàng

Rợn người. Đó có thể là cảm giác rất chung cho chúng ta. Và từ pha va chạm dẫn tới chấn thương nghiêm trọng ấy, hậu quả để lại lớn vô cùng. Đó là một nghịch lý rất lớn của bóng đá, môn thể thao nhiều va chạm, đề cao sự quyết liệt. Để tham gia vào một pha bóng thuộc dạng quyết liệt, cầu thủ thực sự khó có thể định lượng nổi hệ quả của nó sẽ như thế nào.

CLB Hà Nội chắc chắn sẽ thiệt hại rất nhiều. Họ luôn được đánh giá là đội có lực lượng hùng mạnh nhất V.League, nhưng không phải họ không có những điểm mỏng manh. Vị trí của Hùng Dũng chính là cái điểm mỏng manh ấy.

CLB Hà Nội không có một tiền vệ trung tâm có thể lấp đầy chỗ trống mà Dũng để lại. HLV Chu Đình Nghiêm hẳn sẽ mệt mỏi vô cùng khi Hùng Dũng dính chấn thương đến mức này trong khi áp lực thành tích đặt ra cho ông mùa này là rất lớn.

Hung Dung anh 2

Hùng Dũng đau đớn sau khi nhận cú xoạc. Ảnh: Quang Thịnh.

Hùng Dũng cũng không chỉ là một tiền vệ trung tâm ổn định, vững chãi, có đẳng cấp cao đơn thuần mà anh còn là một cầu thủ đa năng, có thể trám vào những vị trí khác khi cấp bách. Đã từng có lúc, khi CLB Hà Nội không có Văn Hậu, Hùng Dũng thậm chí đá cả vị trí hậu vệ biên và chơi rất tốt, như ở trận gặp CLB April 25 của CHDCND Triều Tiên ở AFC Cup 2019. Với CLB Hà Nội, Hùng Dũng thực sự còn hơn cả một cầu thủ tài năng.

Tuy nhiên, ĐTQG còn thiệt hại nhiều hơn. Ông Park Hang-seo đã từng rất vất vả trong việc xây dựng một bộ khung tiền vệ tốt cho ĐT Việt Nam. Và Hùng Dũng chính là cái tên mà ông trông cậy nhiều nhất. Nói không ngoa, Hùng Dũng chính là tiền vệ trung tâm hay nhất Việt Nam lúc này.

Tất cả mọi phương án thay thế cho anh đều chưa ở tầm vóc của anh, đặc biệt là ở sự điềm tĩnh, sức bền, sự ổn định và cả những khoảnh khắc sẵn sàng tạo nên đột biến mà chính bàn thắng anh từng có ở chung kết SEA Games là minh chứng rõ rệt nhất.

Không có Hùng Dũng, những tính toán cho cả một giai đoạn trước mắt của ông Park Hang-seo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vẻ mặt thất thần của ông, cái cách ông ra tận xe cứu thương để thăm hỏi Dũng đủ cho thấy bản thân ông đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương này như thế nào.

Dũng như chiếc chìa khóa vàng mà vô tình ông Park đã bị đánh cướp mất trong khi ông vẫn còn những cánh cửa bí ẩn và bất ngờ chờ được khai mở.

Nhưng thực sự, điều đáng suy ngẫm nhất sau chấn thương của Hùng Dũng không chỉ là cái mất mát của CLB Hà Nội, của ĐTQG. Còn những mất mát lớn hơn rất nhiều, và lâu dài hơn rất nhiều.

Hung Dung anh 3

Pha bóng của Hoàng Thịnh có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài. Ảnh: Quang Thịnh.

Nguy cơ lâu dài

Mấy năm rồi, thành thích của BĐVN được mang lại bởi thế hệ Hùng Dũng, Quang Hải, Công Phượng... đã kích thích đời sống bóng đá rất mạnh mẽ. Trẻ em bắt đầu mê tập bóng đá hơn và điều đó cũng khiến các trung tâm bóng đá cộng đồng, các mô hình học viện bắt đầu nở rộ.

Đó là câu chuyện của “ước mơ nối tiếp”, với những đứa trẻ sống những giấc mơ được như thần tượng của mình. Và ước mơ lành mạnh này được cha mẹ luôn luôn ủng hộ, bởi bản thân họ cũng nhìn thấy những điều đẹp đẽ, tuyệt vời trong bóng đá.

Nhưng chỉ một hình ảnh cái cổ chân gãy gập của Dũng thôi cũng đủ khiến nỗi sợ trở thành một rào cản lớn, và kéo dài, để các bậc phụ huynh cân nhắc chuyện cho con cái mình theo nghiệp quần đùi áo số một cách nghiêm túc. Họ, y như câu nói ở đầu bài, vốn nghĩ chấn thương là một phần của bóng đá bởi với họ, đó chỉ là những chấn thương thông thường.

Còn hình ảnh đôi chân có thể trở thành tàn tật kia lại là một thứ thách thức tâm lý kinh hoàng lắm. Nó đủ để làm một số phụ huynh sẽ rút lại suy nghĩ cho con theo đuổi nghề bóng chuyên nghiệp.

Cái mất ấy sẽ cộng hưởng thêm với sự mất niềm tin vào bóng đá Việt cấp CLB bấy lâu nay, khi lối đá chặt chém vẫn gây ra những chấn thương nghiêm trọng gần như mỗi mùa. Nếu ở hệ ĐTQG bóng đá Việt tạo dựng được hình ảnh đẹp bao nhiêu thì ở cấp CLB, bóng đá Việt vẫn lẩn quất đâu đó bóng tối khiến người xem còn cảm thấy nhiều nghi ngại, nếu không nói là ác cảm.

Cái mất niềm tin này mới là điều đáng sợ nhất, bởi nó vốn dĩ đã kéo dài, như một căn bệnh trầm kha. Mới vừa có chút tín hiệu tích cực, thì cái bóng ma quái ác ấy lại tìm đường ám ảnh.

Còn cá nhân, Hùng Dũng mất nhiều quá. Dũng sẽ không bao giờ trở lại được là một Hùng Dũng bình thường, trọn vẹn như Dũng từng thể hiện, như cha sinh mẹ dưỡng bao năm. Chấn thương nặng nề này đòi hỏi quá trình phục hồi vô cùng ngặt nghèo.

Vị trí chấn thương, mức độ chấn thương cũng khó có thể khiến khi hồi phục hoàn toàn, Dũng có thể chơi bóng đúng như anh đã từng. Vì ít ra, anh sẽ mang một chấn thương khác, chấn thương tâm lý bởi nỗi sợ ám ảnh kéo dài.

Mà Dũng đã phải mất rất nhiều, gia đình anh cũng mất nhiều lắm. Ai đong đo đếm được mất mát ấy. Đền bù nào đủ sức lấp đầy?

Ngô Hoàng Thịnh hẳn sẽ ám ảnh rất lâu dài sau pha chạm kia. Chắc chắn, Thịnh không muốn Dũng phải dính một chấn thương như thế. Chắc chắn, nếu được quay lại từ đầu, Thịnh có thể sẽ không muốn có pha va chạm như thế. Song, cầu thủ luôn luôn nghĩ điều tương tự khi hậu quả đã xảy ra rồi. Còn khi chơi trên sân, họ có nghĩ đến điều đó hay không?

Cú vào bóng ấy dường như nó là quán tính chơi bóng rất khó có thể bỏ được, nhất là ở trong những thời điểm cầu thủ bị kích thích bởi tình huống trên sân. Cái mất mà Thịnh đối diện chính là mất hình ảnh trước dư luận. Thịnh khó có thể thanh minh được gì ở tình huống này.

Tất cả chúng ta đều mất, người mất ít, người mất rất nhiều. Từ cái mất, sau chấn thương của Hùng Dũng, đã đến lúc phải làm lại chưa, hay chỉ xuýt xoa vậy rồi quên, để mai này một ai nữa gặp tai nạn, ta lại rợn người nói chuyện về những gì “đã mất”...

Hùng Dũng khóc nức nở khi được đưa đi bệnh viện Pha vào bóng nguy hiểm của Ngô Hoàng Thịnh khiến Đỗ Hùng Dũng phải nẹp chân và được đưa đi bệnh viện ngay lập tức.

Duy Mạnh: 'Tôi thấy Hùng Dũng kêu rất to'

Trung vệ khoác áo CLB Hà Nội cảm thông cho tình cảnh của Hùng Dũng bởi chính anh cũng từng dính chấn thương nặng trên sân Thống Nhất.

HLV Chu Đình Nghiêm: 'Đừng triệt hạ đồng nghiệp'

Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng bị gãy chân sau pha vào bóng ác ý của Ngô Hoàng Thịnh vào tối 23/3 trên sân Thống Nhất (TP.HCM).

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm