1. Hủ tiếu pizza là đặc sản của địa phương nào?
Khu vực cầu Rau Răm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 4 km có nhiều gia đình làm hủ tiếu, nổi tiếng nhất phải kể đến lò Chín Của, Sáu Hoài, Quê Tôi... Du khách đến làng nghề này có cơ hội trải nghiệm quy trình từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi khô, cắt sợi, vào bao thành phẩm... Bạn cũng có dịp thưởng thức những món ngon như hủ tiếu nấu bằng nước dừa với xương ống, thịt nạc thăn hay xào thập cẩm. Đặc biệt, hủ tiếu pizza là một trong những món ăn đặc trưng, hút khách ở vùng đất Tây Đô. Ảnh: Timmytusa. |
2. Pizza hủ tiếu được chế biến bằng cách nào?
Người chế biến trụng chín sợi hủ tiếu rồi cho vào chảo dầu nóng để chiên. Trong quá trình này, họ cũng nhanh tay dồn sợi hủ tiếu thành miếng tròn đồng thời trở đều 2 mặt đến khi chín, giòn, có màu vàng đẹp mắt. Hủ tiếu pizza thành phẩm được cho thêm chà bông, hành ngò, đậu phộng rang bùi bùi trọn vị miền Tây. Thực khách có thể thưởng thức món ăn cùng trứng chiên, thịt khìa, rưới nước cốt dừa... Ảnh: Andyeatseverything. |
3. Món vịt nào đặc trưng ở Cần Thơ?
Vịt nấu chao là đặc sản của xứ "gạo trắng nước trong". Nguyên liệu tạo điểm nhấn cho món ăn là chao trắng, chao đỏ, giúp thịt vịt và nước dùng đậm đà. Khi nấu, người ta còn thêm khoai môn, nấm... khiến hương vị càng ngọt thanh, bùi béo. Vịt nấu chao được phục vụ như lẩu, ăn kèm bún tươi, rau muống, cù nèo, cải xanh... hoặc thưởng thức cùng cơm nóng. Ảnh: Aimquinn.0728. |
4. Bánh xèo ở Cần Thơ có loại nhân đặc biệt nào?
Bánh xèo củ hủ dừa là hương vị đặc trưng trong ẩm thực Cần Thơ. Miếng bánh vàng óng, lớp vỏ vừa mỏng, vừa giòn, thường được gấp lại thành hình bán nguyệt. Nhân bánh gồm củ hủ dừa kết hợp tôm, thịt heo thái sợi, thịt vịt bằm... Đặc biệt, bánh xèo Cần Thơ còn có đậu xanh bên trong tạo vị thơm, bùi và ngọt. Thực khách thưởng thức bánh kèm nhiều loại rau sống và chấm nước mắm. Ảnh: Ntnamhair. |
5. Bánh tét lá cẩm do ai sáng tạo?
Bánh tét lá cẩm là loại bánh truyền thống của nhà họ Huỳnh tại Cần Thơ. Bà Huỳnh Thị Trọng (còn được gọi với tên thân mật là bà Sáu Trọng) là người đã dày công sáng tạo ra cách dùng nước lá cẩm để làm bánh tét. 4 loại nhân bánh gồm thập cẩm (đậu, thịt mỡ, lạp xưởng, trứng muối), mỡ, chuối và đậu ngọt (dùng để ăn chay). Bánh tét lá cẩm thơm ngon, bổ dưỡng phù hợp để ăn sáng, đãi tiệc, đám giỗ... Ảnh: Elidong0919. |
6. Món bánh trong hình có tên gì?
Bánh hỏi mặt võng là đặc sản trứ danh của vùng đất Phong Điền, Cần Thơ. Loại bánh được tạo hình như những mắt lưới võng đan đều nhau đầy công phu. Sau khi hấp chín, bánh hỏi được ăn kèm với thịt nướng kim tiền, thịt heo quay, các loại rau thơm, mỡ hành, nước mắm pha. Ảnh: Foodiebylybeos. |
7. Huyện Phong Điền có thương hiệu dâu nào?
Dâu Hạ Châu là đặc sản nức tiếng của miệt vườn Phong Điền. Từ loại trái này, người dân địa phương đã tạo nên món gà um dâu độc đáo. Gà để um phải là gà thả vườn, thịt chắc kết hợp dâu tươi nguyên, căng mọng, vừa chín tới. Món ăn có vị chua, ngọt thanh, mùi thơm dịu của dâu lẫn vị thịt dai ngọt và chút cay nồng từ rau răm. Thực khách thưởng thức kèm bánh mì nóng giòn, muối tiêu chanh để cảm nhận trọn vị. Ảnh: Phạm Nghĩa Food. |