Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hư cấu hóa và tình dục hóa minh tinh nước Mỹ

Trong khi tiểu thuyết "Blonde" của Joyce Carol Oates hư cấu hóa cuộc đời Marilyn Monroe được khen là sâu sắc, phim chuyển thể lại gây phẫn nỗ, bị coi là báng bổ, dung tục.

Hình tượng Marilyn Monroe do Ana de Armas khắc họa. Ảnh: Netflix.

Bộ phim Blonde dựa trên cuộc đời của Marilyn Monroe đã khiến công chúng phẫn nộ vì cách khắc họa tình dục hóa Marilyn. Ít ai biết bộ phim này được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Joyce Carol Oates. Điều đáng nói là tác phẩm của Oates được khen ngợi hết lời dù cũng là một sản phẩm hư cấu hóa cuộc đời nữ minh tinh tóc vàng.

Tiểu thuyết của Joyce Carol Oates

Blonde là tác phẩm tiểu sử hư cấu của Joyce Carol Oates phỏng theo cuộc đời của Marilyn Monroe. Oates luôn nhấn mạnh rằng cuốn tiểu thuyết là một tác phẩm hư cấu và không nên được nhìn nhận là một cuốn tiểu sử thuần khiết.

Cuốn sách ra mắt nhận được sự hưởng ứng của cả độc giả đại chúng lẫn giới phê bình, lọt vào danh sách rút gọn của Giải Pulitzer, Giải Sách quốc gia Mỹ, trở thành một dấu ấn trong sự nghiệp văn chương của Joyce Carol Oates.

Trong cuốn sách, ngoài Marilyn Monroe, phần lớn cá nhân khác không bao giờ được điểm tên cụ thể mà chỉ ám chỉ bằng chữ viết tắt, bí danh hoặc một đặc điểm như R.F, Bucky Glazer, Cựu Vận động viên, Nhà biên kịch...

dien vien Hollywood anh 1

Tác phẩm của Joyce Carol Oates nhận được nhiều lời khen ngợi. Ảnh: articulo.

Với Blonde, Oates đưa độc giả vào một thế giới nửa thực nửa mê, nơi một nữ minh tinh bị Hollywood nuốt chửng, nơi cơ thể phụ nữ bị coi như hàng hóa để đổi chác kiếm lời. Đây được đánh giá là cuốn tiểu thuyết tham vọng nhất của nữ nhà văn. Oates đã truyền đạt tiếng lòng của Monroe và yêu cầu độc giả công nhận, cảm thông, tôn trọng ngôi sao yểu mệnh.

Nhiều nhà phê bình cho tới nay vẫn đánh giá Blonde là một tác phẩm đi trước thời đại. Qua Blonde và qua hình tượng Marilyn Monroe, Joyce Carol Oates đã vạch trần nạn kỳ thị giới tính, sự coi rẻ nữ giới và lối lạm dụng quyền lực. Đó là một câu chuyện về một cô gái trẻ đang vật lộn để đứng vững được trong một ngành công nghiệp chẳng mảy may quan tâm tới sức khỏe tâm lý của cô.

Sau khi xem hết phim Marilyn Monroe đóng, đọc và nghiên cứu tài liệu về nữ minh tinh bạc mệnh, Joyce Carol Oates nhận thấy sự thông minh, khiếu hài hước và ý chí nghị lực của cô gái trẻ quyết tâm muốn được nhìn nhận như một diễn viên nghiêm túc.

Ngoài ra, bà còn nhận thấy nét giao thoa giữa sự nghiệp của Marilyn Monroe với những đặc điểm văn hóa Mỹ giữa thế kỷ XX. Từ đây, bà quyết định cần một hình thức hư cấu công phu và hoàn thiện để khám phá nữ minh tinh, để cô không xuất hiện đơn giản là một nạn nhân đáng thương.

Trong một buổi phỏng vấn với phóng viên Nikolas Charles của tờ Time vào năm 2015, Joyce Carol Oates chia sẻ rằng bà đã dành 2 năm để nghiên cứu chất liệu cho cuốn sách và rằng bà gần như coi Marilyn Monroe là "Moby Dick" của mình.

Việc xây dựng cuốn tiểu thuyết đồ sộ về một người phụ nữ, đặc biệt là một hình tượng văn hóa phổ biến là bước đi táo bạo. Nhưng ở đó, Oates cũng nhận thấy đây là câu chuyện tiềm năng để Marilyn được nhìn nhận nghiêm túc như một hình tượng của thời đại, của nước Mỹ.

dien vien Hollywood anh 2

Một cảnh trong phim chuyển thể Blonde. Ảnh: Entertainment Weekly.

Hình tượng Marilyn được khắc họa phức tạp và đặc biệt, với 3 nhân cách tồn tại song song:

Thứ nhất là cô gái Norma Jeane Baker - một thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên, lớn lên trong trại mồ côi, mưu cầu một nền tảng vững chắc với tiền tài, tình cảm và học vấn.

Thứ hai là nữ minh tinh Marilyn Monroe - "nữ thần màn bạc", một hình tượng do Hollywood tạo ra, ẩn chứa một tâm hồn nhạy cảm nhưng bị đè nén bởi nỗi xấu hổ, tự căm ghét bản thân vì trở thành đối tượng săn lùng của nền văn hóa coi thường phụ nữ.

Thứ ba, biểu tượng tóc vàng Blonde, biểu trưng cho một giấc mộng màu hường, một cuộc sống hoàn mĩ, được ngưỡng mộ và thần tượng. Tuy nhiên, bên cạnh hình tượng lý tưởng của vẻ đẹp da trắng thượng lưu, Blonde cũng bị coi rẻ, bị bôi nhọ trong tưởng tượng dâm dục của xã hội.

Khắc họa hình tượng phức tạp như vậy, Oates tuyên bố mình đã hư cấu hóa cuộc đời Monroe để tiếp cận được tầng lớp nghĩa sâu hơn, thơ hơn và chân thật hơn. Bà "chưng cất" các sự kiện để tạo ra một biểu tượng mới, nặng tính biểu tượng.

Đồng thời, Oates phát triển và đào sâu các chủ đề nền vốn có trong câu chuyện của Monroe, bao gồm sự phát triển của Los Angeles, lịch sử điện ảnh và những vụ tẩy chay, danh sách đen trong làng điện ảnh. Kết hợp với nét cổ tích và chất liệu của tiểu thuyết Gothic, nhà văn đã nâng cao tầm cỡ và chất sử thi của cuốn tiểu thuyết. Bà miêu tả Blonde như một Alice ở xứ sở thần tiên bản Mỹ.

dien vien Hollywood anh 3

Một cảnh phim Ana de Armas (trái) tái hiện hình ảnh Marilyn Monroe (phải). Ảnh: Popsugar.

Từ trang sách lên màn ảnh

Bản phim chuyển thể của đạo diễn Andrew Dominik từ một tác phẩm được công chúng đón đợi thành một chủ đề tranh cãi lớn. Nhiều bình luận phê bình phong cách đạo diễn của Dominik, cho rằng ông đã áp đặt cái nhìn của nam giới vào bộ phim.

Nhiều khán giả cho rằng hình tượng Marilyn trên phim bị khắc họa một màu, đóng khung trong vai nạn nhân và gần như gột bỏ mọi phẩm chất khác của Monroe.

Ở bản tiểu thuyết, Oates cũng viết: "Blonde là một 'mảnh đời' được chắt lọc dưới dạng tiểu thuyết và với độ dày của cuốn sách, nguyên tắc giai thoại là một sự lựa chọn phù hợp". Marilyn của Oates dù được hư cấu hóa, hình tượng hóa, vẫn giữ chiều sâu và độ phức tạp.

Lên phim, người xem vẫn bắt gặp được phong cách giai thoại đứt đoạn này. Nhưng có lẽ, không phải cứ trung thành với nguyên tác là tốt.

Ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh vận hành khác nhau. Phong cách giai thoại trên phim khiến bộ phim rời rạc, lê thê và thiếu điểm nhấn, đồng thời biến Marilyn Monroe thành một đối tượng để máy quay chiếu vào đơn thuần, thiếu sắc thái.

Nếu như Blonde của Joyce Carol Oates để lại cho độc giả ấn tượng về mối quan hệ phức tạp giữa nền công nghiệp Hollywood và các ngôi sao, thì Blonde của Andrew Dominik lại khiến khán giả phẫn nộ với những khắc họa lệch lạc, biến Marilyn Monroe thành một cô đào nhu nhược, một "nạn nhân" thuần túy.

Những chiều sâu ý nghĩa, những giá trị nhân văn Joyce Carol Oates truyền tải trong cuốn tiểu thuyết hoàn toàn tan biến trong bản phim của Andrew Dominik. Không còn cấu trúc, ngôn từ phức tạp, điểm mơ hồ gợi mở, hình ảnh phim trần trụi hiện lên như một cảnh tái hiện lười nhác, đơn giản hóa hành trình của nhân vật xuống còn các cột mốc bi thương nối dài trong 3 tiếng đồng hồ.

Mặc dù nhà văn Joyce Carol Oates đã lên tiếng bảo vệ bộ phim, cho rằng "Blonde của Dominik không dành cho thị hiếu của đám đông", phần lớn khán giả và nhà phê bình đều cảm thấy bộ phim để mất đi nhiều sắc thái của cuốn tiểu thuyết, rằng phép màu của nghệ thuật văn chương không được truyền tải lên màn ảnh đúng cách.

Những tháng ngày thiếu kiểm soát của Marilyn Monroe

Từ lúc nào cuộc sống của một minh tinh màn bạc trở nên đáng thương đến vậy? Tiếc thay, niềm vui của Marilyn hiếm khi nào trọn vẹn.

Cuộc sống hỗn loạn của Marilyn Monroe

Trở lại thời điểm sống tại Connecticut, minh tinh đã ý thức hơn trong cuộc sống đời thường. Thế nhưng khi dọn đến căn hộ ở Waldorf, quả bom phát nổ lần nữa.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm