Đây là nhận định của ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam - về tình hình lãi suất tại thị trường trong nước nửa cuối năm 2021.
Cụ thể, ông Khoa cho rằng tình trạng vật giá leo thang đang khiến thị trường tài chính bắt đầu tỏ ra quan ngại khi ngân hàng trung ương các nước phải tính đến chuyện siết van thanh khoản và nâng lãi suất điều hành.
Tuy nhiên, mối lo ngại này dường như tập trung nhiều hơn ở các quốc gia phương Tây, trong khi đó ở các quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, chưa cho thấy áp lực của lạm phát khi áp lực chủ yếu đến từ giá cả đầu vào thay vì cầu kéo.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC. |
Tránh nâng lãi suất quá sớm hoặc quá nhanh
Theo vị Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, nếu đặt trong bối cảnh lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian dài, thay vì mang tính thời điểm, khả năng nâng lãi suất điều hành là có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ở trường hợp khác, cơ quan điều hành tiền tệ cần cân nhắc để tránh việc nâng lãi suất quá sớm hoặc quá nhanh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
Ông Khoa cho rằng các doanh nghiệp hiện nay cần tiếp tục chủ động trong các nghiệp vụ phòng vệ rủi ro, bao gồm rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua các sản phẩm mà Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhằm đạt mục đích quản trị rủi ro trong kinh doanh.
Về tỷ giá, tiếp nối xu hướng biến động mạnh của năm 2020, 6 tháng đầu năm nay đồng USD vẫn ghi nhận nhiều biến động. Trong đó, chỉ số USD Index sau khi đạt đỉnh vào cuối quý I đang tìm lại sức mạnh khi bật tăng trở lại vào nửa cuối tháng 6, ngay sau phiên họp thường kỳ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH CỦA NHNN TỪ NĂM 2016 ĐẾN NAY | ||||||||
Nguồn: SBV, tổng hợp | ||||||||
Nhãn | Trước 2016 | Từ 15/3/2017 | Từ 10/7/2017 | Từ 19/11/2019 | Từ 17/3/2020 | Từ 13/5/2020 | Từ 1/10/2020 | |
Cho vay ngắn hạn lĩnh vực ưu tiên | %/năm | 7 | 7 | 6.5 | 6 | 5.5 | 5 | 4.5 |
Tái cấp vốn | 6.5 | 6.5 | 6.25 | 6 | 5 | 4.5 | 4 | |
Tái chiết khấu | 4.5 | 4.5 | 4.25 | 4 | 3.5 | 3 | 2.5 | |
Cho vay qua đêm | 7.5 | 7.5 | 7.25 | 7 | 6 | 5.5 | 5 |
Với việc đồng bạc xanh tăng mạnh trở lại, các đồng tiền trong khu vực châu Á đã chịu áp lực suy yếu tương ứng, và đồng Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Dù trong hầu hết nửa năm qua, tỷ giá USD/VND chủ yếu giao dịch trong biên độ 23.010-23.100 đồng/USD với xu hướng tiền đồng tăng giá, nhưng tình hình đang đảo ngược sau kỳ họp gần nhất của FED.
Theo ông Khoa, NHNN đã mua vào lượng lớn ngoại tệ qua nghiệp vụ kỳ hạn trước khi hạ giá mua 150 đồng xuống 22.975 đồng/USD vào tuần đầu tháng 6. Điều này cho thấy dư địa để VND có thể tăng giá thêm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, đặc biệt từ nay đến cuối năm, không bỏ ngỏ khả năng tiền đồng sẽ chịu áp lực mất giá trở lại với mức dự báo 23.100 đồng/USD vào cuối năm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là cán cân thương mại chuyển sang nhập siêu, lo ngại về giá cả hàng hóa cao hơn cùng khả năng lãi suất Mỹ bước vào chu kỳ tăng trở lại.
“Có một điều khá chắc chắn rằng tỷ giá USD/VND sẽ khó duy trì được xu hướng bình ổn như đã trải qua cùng kỳ năm 2020, thay vào đó sẽ có nhiều biến động hơn trong 6 tháng cuối năm”, ông Khoa chia sẻ.
Hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021
Về kinh tế vĩ mô nửa cuối năm nay, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho biết kinh tế thế giới đã và đang cho thấy dấu hiệu phục hồi từ mức tăng trưởng rất thấp của năm 2020.
Một trong những yếu tố chính giúp vực dậy nền kinh tế thế giới là các gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, cùng với đó là nỗi lo lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng lạm phát sẽ tăng nóng và lâu dài thay vì chỉ mang tính tạm thời.
Vì vậy, ngân hàng trung ương nhiều nước đã không còn áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng thông qua hoạt động bơm thanh khoản vào thị trường. Thậm chí, một số nước đã nâng lãi suất hoặc bắt đầu nhắc tới lộ trình nâng lãi suất và hút thanh khoản trở lại.
Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với một làn sóng Covid-19 mới.
Trong nửa đầu năm, lạm phát tại Việt Nam đã được duy trì ở mức ổn định, CPI tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,62% so với cuối năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này cũng mới tăng 2,41%.
HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam xuống 6,1%, nhưng nâng dự báo năm 2022 lên 6,8%. Ảnh: Nam Khánh. |
Theo HSBC Việt Nam, lạm phát trong nước sẽ được kiềm chế tốt trong năm nay, với mức dự báo trung bình khoảng 2,8%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tối đa 4% mà Quốc hội đề ra.
Tuy vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể gây ra những áp lực đáng kể đối với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.
Các ổ dịch gần đây làm dấy lên lo ngại về việc gián đoạn sản xuất trong thời gian dài, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế. Các chỉ thị giãn cách để ngăn ngừa dịch bệnh cũng sẽ dẫn đến sự suy giảm thêm về triển vọng tiêu dùng và sự phục hồi của ngành dịch vụ, du lịch.
Đặc biệt, biến thể mới của Covid-19 và tốc độ tiêm vaccine chậm sẽ trì hoãn việc mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, Khối nghiên cứu HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam từ 6,6% xuống 6,1%. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi mạnh mẽ do công nghệ dẫn đầu và triển vọng FDI đầy hứa hẹn.
Vì vậy, dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 6,8%, tăng so với dự báo trước đó ở mức 6,5%.