Khối nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,6%, thấp hơn con số ước tính 7,6% trước đó.
Trong quý I, GDP của Việt Nam tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức độ phục hồi dự kiến khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ ba bùng phát tại Hải Dương và một số tỉnh, thành.
Theo nghiên cứu của HSBC, nhu cầu tiêu dùng trong nước quý I vẫn còn khá dè dặt do việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại các địa phương có dịch. Các chỉ số đo lường việc di chuyển, đi lại của người Việt sụt giảm kéo theo tăng trưởng dịch vụ giảm sút. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, sức cầu trong nước được dự báo sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam quý đầu năm theo HSBC là hoạt động xuất khẩu tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ 2020. Mức tăng này chủ yếu do sự đóng góp của các mặt hàng thiết bị điện tử, máy móc.
Với nhu cầu về sản phẩm công nghệ gia tăng trên toàn cầu, dòng vốn FDI ổn định và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, HSBC nhận định Việt Nam trong những nước có triển vọng tăng trưởng sáng giá nhất ở châu Á.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam 2021. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng thời, các số liệu thống kê cũng chỉ ra các lĩnh vực sản xuất truyền thống trong nước đã có những dấu hiệu phục hồi mới. Nhóm nghiên cứu cho rằng xu hướng đáng khích lệ này sẽ tiếp tục khi sức cầu tiêu dùng trên toàn cầu được cải thiện.
HSBC cũng đánh giá áp lực lạm phát của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp, chỉ tăng bình quân 0,3% so với cùng kỳ trong quý I. Giá thực phẩm đang được điều chỉnh do giá thịt lợn đã quay lại mức bình thường, bù đắp những tác động khi giá dầu tăng. Ngoài ra, giá trị tiền đồng ổn định cũng giảm bớt lo ngại về tác động của tỷ giá hối đoái.
Dù Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế nhanh chóng, HSBC cho rằng vẫn có những điểm đáng lưu ý. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 có nguy cơ bị kéo dài, có thể làm chậm quá trình phục hồi dịch vụ du lịch.
Các lô vaccine từ nước ngoài đang bị trì hoãn tiến độ giao hàng. Trong bối cảnh đó, các loại vaccine trong nước đang được thử nghiệm sẽ đóng vai trò quan trọng để đẩy nhanh việc tiêm chủng.
Ngoài ra, thị trường lao động cũng là một lực cản cho việc hồi phục sức cầu tiêu dùng trong nước. Dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ quý III, HSBC lưu ý một tỷ lệ không nhỏ người lao động Việt Nam vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức và điều này có thể không được thể hiện trong số liệu thống kê việc làm chính thức.
Vì vậy, nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động dễ bị tổn thương vẫn cần là trọng tâm của chính sách.