Bộ phận phân tích Global Research của HSBC vừa có báo cáo Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?, trong đó tập trung phân tích bảng cân đối kế toán của 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).
Theo HSBC, 4 nhà băng nói trên hiện chiếm hơn một nửa tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống, nên việc phân tích dư nợ tại đây cũng phản ánh tương đối bức tranh chung của hoạt động cho vay ngân hàng.
Tại báo cáo, các chuyên gia tại đây chỉ ra trong khi tăng trưởng nợ hộ gia đình tại 4 ngân hàng này ở mức vừa phải năm 2020, thì đòn bẩy tiêu dùng tăng cao lại là một mối lo ngại lớn, đặc biệt khi điểm yếu của thị trường lao động vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, tỷ trọng cho vay hộ gia định tại 4 ngân hàng quốc doanh đã tăng đáng kể từ 28% vào năm 2013 lên 46% vào năm 2020, tương đương với nợ hộ gia đình tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng kỳ.
Nguồn: HSBC; CEIC; BCTC, BCTN Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank. |
Nếu tính theo lực lượng lao động, nợ tiêu dùng thậm chí đã tăng từ 41% thu nhập bình quân đầu người lên hơn 100% thu nhập tương ứng giai đoạn 2013-2020.
HSBC lưu ý các khoản nợ hộ gia đình kể trên không phải dành tất cả cho tiêu dùng mà một phần được sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Dự trên báo cáo của IMF năm 2019, hơn 50% nợ hộ gia đình là cho vay đối với các doanh nghiệp cá nhân và 25% đối với các khoản vay thế chấp. HSBC giả định tỷ lệ này tương tự vào năm 2020, thì cho vay tiêu dùng vẫn chiếm khoảng 50% thu nhập trên một lao động trong nước, đây vẫn là một tỷ lệ cao đối với thị trường mới nổi như Việt Nam.
Theo các chuyên gia của HSBC, việc sử dụng đòn bẩy tiêu dùng cao trong giai đoạn vừa qua có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là khi các điều kiện thị trường lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Theo HSBC, việc tăng vay nợ để tiêu dùng giai đoạn qua có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Dù nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh hơn so với các nước trong khu vực, nhưng thị trường lao động yếu hơn vẫn là mối quan tâm đối với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Nếu nhìn vào tỷ lệ, chỉ số thất nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức tương đối khi giảm từ 2,7% quý II/2020 xuống 2,4% quý I/2021. Tuy nhiên, số việc làm lại thấp hơn so với trước khi dịch Covid-19 diễn ra và tiền lương đã giảm lần đầu tiên trong nhiều năm.
Trong cơ cấu cho vay tại 4 ngân hàng quốc doanh kể trên, HSBC cho biết mỗi ngân hàng có số dư phân bổ khác nhau, nhưng lĩnh vực sản xuất, bán buôn, bán lẻ vẫn là ưu tiên chính. Điều này được đánh giá tốt cho triển vọng của Việt Nam trong sản xuất công nghiệp.
Thực tế, các cơ quan quản lý cũng đã liên tục kêu gọi các ngân hàng thương mại hướng dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất thời gian qua. Tuy nhiên, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro hơn như bất động sản cũng đã tăng từ tháng 12/2020 và khiến Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn.