Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến "Quan hệ Việt - Mỹ và hậu quả chiến tranh: 25 năm sau bình thường hóa", diễn ra ngày 15/7, Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá hiếm thấy trong quan hệ giữa hai quốc gia nào mà vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh lại có đóng góp quan trọng đối với tiến trình bình thường hóa, cải thiện quan hệ và xây dựng lòng tin như giữa Việt Nam và Mỹ.
Tọa đàm "Quan hệ Việt - Mỹ và hậu quả chiến tranh: 25 năm sau bình thường hóa" được tổ chức ngày 15/7 theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Đây không chỉ là hình mẫu của quá trình hòa giải giữa hai nước vốn là cựu thù nay trở thành bạn và đối tác toàn diện, mà còn là giải pháp cho nhiều cuộc xung đột khu vực và quốc tế hiện nay.
Đại sứ đồng thời đã gửi lời cảm ơn đến chính quyền, quốc hội và nhân dân Mỹ đã có đóng góp to lớn vào quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước nói chung và hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam nói riêng.
Đại sứ đề nghị Nhóm làm việc về khắc phục hậu quả chiến tranh tại Trung tâm Stimson tiếp tục hỗ trợ kết nối thế hệ trẻ trong chính quyền, quốc hội Mỹ, có thể hiểu hơn về lịch sử quan hệ hai nước và cùng tham gia hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trong tương lai.
Những thành quả ít ai tiên đoán được
Trong phát biểu dẫn đề, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, thành viên cao cấp Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện, nhấn mạnh Việt Nam - Mỹ đã đạt được những thành quả đặc biệt mà ít người có thể tiên đoán hay tưởng tượng được khi hai nước bắt đầu bình thường hóa quan hệ 25 năm trước.
Các nỗ lực chung, quyết tâm chính trị, thiện chí của chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh đã góp phần giúp hai nước hòa giải. Việt Nam trở thành đối tác gần gũi nhất của Mỹ ở Đông Á.
Việt Nam đã giúp tìm kiếm hơn 700 bộ hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh trong hơn 30 năm qua. Ở chiều ngược lại, Mỹ giúp Việt Nam rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Gần đây nhất, quốc hội và chính quyền Mỹ đã thúc đẩy chương trình hỗ trợ tìm kiếm bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Thượng nghị sĩ Leahy mong rằng trong 25 năm tới, thế hệ trẻ hai nước cần tiếp nối thế hệ cha anh giải quyết hậu quả chiến tranh, cũng như góp phần xử lý những thách thức mới như phát triển năng lượng sạch, và những thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực.
Thượng nghị sĩ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực và chủ động trong cộng đồng quốc tế.
Lễ bàn giao 37 ha đất sân bay Biên Hòa để tẩy độc dioxin vào tháng 11/2019. Ảnh: USAID. |
Mỹ cam kết tiếp tục phối hợp với Việt Nam
Tham gia phát biểu từ Hà Nội, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink khẳng định Mỹ luôn cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với VN, chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và ổn định, trên cơ sở cùng nhau tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là trụ cột trung tâm để hai bên phối hợp hiệu quả trong hơn 30 năm qua, trước cả khi hai nước bình thường hóa quan hệ, trong các hoạt động nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh. Đại sứ Kritenbrink cam kết Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong thời gian tới để giải quyết các vấn đề do cuộc chiến để lại.
Các diễn giả đã tập trung chia sẻ về những nỗ lực của cả hai nước trong tìm kiếm binh lính mất tích trong chiến tranh, các dự án tẩy chất độc da cam tại sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa, rà phá bom mìn, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh.
Đại biểu tham dự tọa đàm quan tâm tìm hiểu thực trạng các dự án đang tiến hành ở Việt Nam, triển vọng tương lai của các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam và vai trò của các hoạt động này trong việc làm sâu sắc quan hệ giữa hai nước.
Tọa đàm trực tuyến "Quan hệ Việt - Mỹ và hậu quả chiến tranh: 25 năm sau bình thường hóa" là hoạt động do Nhóm làm việc về giải quyết hậu quả chiến tranh tại Trung tâm Stimson tổ chức nhằm thiết thực kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Chủ tịch Stimson Brian Finlay là người chủ trì Tọa đàm. Thượng nghị sĩ Patrick Leahy (Dân chủ - Vermont), thành viên cao cấp Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện, người có nhiều đóng góp cho quan hệ giữa hai nước và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, Đại sứ Hà Kim Ngọc và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink được mời là khách danh dự.
Các diễn giả tại Tọa đàm phía Mỹ gồm ông Tim Rieser, Cố vấn đối ngoại cao cấp của Thượng nghị sĩ Leahy; bà Susan Hammond; bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Tổ chức PeaceTree Việt Nam của Mỹ. Phía Việt Nam có Đại tá Lê Đình Vũ, Giám đốc điều hành Dự án hậu quả chiến tranh và Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 701 của Việt Nam.
Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 150 khách tham dự, gồm đại diện quốc hội, chính quyền Mỹ, các NGO về nhân đạo, các nhà tài trợ các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh, học giả, các hãng thông tấn….