Trong chuyến thăm Việt Nam 3 ngày qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất để xây đại sứ quán mới của Mỹ với ngân sách 1,2 tỷ USD, trên khu đất rộng 3,2 hecta tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Nhận xét về thỏa thuận này, giáo sư Andrew Bellisari, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng ý nghĩa đằng sau con số 99 năm là "niềm kỳ vọng Mỹ sẽ duy trì hiện diện ngoại giao trong ít nhất từng đó thời gian".
Cam kết hiện diện lâu dài
- Ông đánh giá thế nào về thỏa thuận cho thuê đất để Mỹ xây dựng sứ quán mới tại Hà Nội?
- Thường những thỏa thuận thuê đất như vậy sẽ được ký kết với điều khoản thời gian khoảng 99 hoặc 100 năm. Con số này mang tính biểu tượng và thể hiện kỳ vọng rằng Mỹ sẽ có sự hiện diện ngoại giao lâu dài tại Việt Nam.
Những thỏa thuận dạng này cũng thường mang tính chất có qua có lại, dù tôi không biết rõ liệu Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, D.C. có ký thỏa thuận tương tự hay không. (Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, D.C., cũng được cho thuê 99 năm - PV).
99 năm dường như là khoảng thời gian chúng ta không thể hình dung nổi. Chúng ta không biết cuộc sống sẽ ra sao trong 99 năm nữa. Nhưng đó cũng chính là ý nghĩa đằng sau con số ấy.
Ngoài ra, việc thuê đất 99 năm rất phổ biến trong giới ngoại giao. Chẳng hạn, Pháp cũng sẽ được nhận đất xây đại sứ quán ở quốc gia sở tại với cùng khoảng thời gian đó. Đây là điều diễn ra phổ biến trong lĩnh vực ngoại giao.
Khu phức hợp đại sứ quán mới của Mỹ sẽ được cho thuê 99 năm. Ảnh: EYP Architecture & Engineering. |
Chuyến thăm là điểm sáng trong quan hệ song phương
- Theo giáo sư, những điểm sáng trong chuyến công du của Phó tổng thống Harris đến Việt Nam là gì?
- Tôi nghĩ bản thân chuyến thăm là điểm nhấn đầu tiên và quan trọng nhất. Bởi lẽ, bà Harris là thành viên cao cấp nhất trong chính quyền Biden và chuyến thăm của bà diễn ra trong chưa đầy một tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến Việt Nam.
Việt Nam đã đón tiếp Phó tổng thống Harris trong bối cảnh chính phủ đang cố gắng kiểm soát đại dịch.
Chuyến thăm gửi thông điệp rất đặc biệt rằng mặc dù chính phủ Việt Nam đang cố gắng xử lý tình huống khó khăn, họ vẫn coi trọng sự gắn kết giữa hai nước.
- Chuyến thăm của bà Harris có vạch ra con đường rõ ràng hơn để hai nước nâng tầm mối quan hệ song phương? Bước tiếp theo mà hai nước có thể thực hiện để thúc đẩy quá trình này?
- Tôi nghĩ vấn đề này là một phần quan trọng trong lý do Phó tổng thống Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sớm công du Việt Nam.
Việc thúc đẩy quá trình nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ vị trí đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược đã diễn ra từ nhiệm kỳ tổng thống trước, tôi nghĩ là vào khoảng 2019.
Các bên đã thảo luận về nỗ lực nâng cấp mối quan hệ. Theo tôi được biết, đây là điều được mong đợi từ phía Washington.
Nhưng tôi nghĩ chính phủ Việt Nam sẽ là bên đưa ra quyết định về sự thay đổi trong mối quan hệ song phương. Tôi nghĩ có một con đường dễ nhìn thấy ở đây: Mỹ rất rõ ràng trong việc thể hiện mong muốn của mình.
Việc nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược cũng nhiều khả năng làm phát sinh nhiều khía cạnh khác. Phần lớn trong số này sẽ được xây dựng trên các dạng gắn kết hiện tại, ví dụ tăng cường hợp tác kinh tế, đẩy mạnh đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ, thông tin và giáo dục.
Xa hơn nữa, có thể kể đến hợp tác về mặt quốc phòng. Bởi lẽ, khi nói về quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta đang nói về các cam kết song phương, bao gồm tăng cường hợp tác an ninh. Tôi nghĩ đó sẽ là trọng tâm của sự nâng cấp mối quan hệ Việt - Mỹ.
Việc nâng cấp mối quan hệ song phương có thể là một quá trình lâu dài. Nhưng thực tế là trong hai năm trở lại đây, lãnh đạo hai nước đã có một số cuộc thăm hỏi và gặp gỡ cấp cao.
Mặc dù chưa thể dự đoán về khả năng nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược trong tương lai gần, tôi nghĩ không ai muốn bỏ qua khả năng thúc đẩy quá trình đó.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả, ổn định lâu dài. Ảnh: Reuters. |
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh
- Phía Mỹ muốn truyền tải thông điệp gì khi đề cập hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trong hai chuyến thăm cấp cao liên tiếp?
- Tôi nghĩ một trong những thông điệp Mỹ muốn truyền tải là họ coi trọng trách nhiệm lịch sử của mình. Giới chức Mỹ từ lâu đã nêu rõ tinh thần trách nhiệm phải giải quyết những hậu quả còn tồn tại của cuộc xung đột.
Đơn cử như nỗ lực tẩy độc dioxin ở những nơi như sân bay Hòa Bình cũ, rà phá bom mìn chưa phát nổ, hay tham gia hợp tác tìm kiếm hài cốt của cả quân nhân Việt Nam và Mỹ hy sinh trong chiến tranh.
Mỹ đầu tư nhiều nguồn lực để tìm kiếm liệt sĩ kể từ những năm 1990. Giờ đây, phía Mỹ chia sẻ phương tiện, vật chất và nhân lực để làm điều đó.
Tình hình đại dịch thời gian qua đã ảnh hưởng đến hợp tác trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, việc tìm kiếm hoặc xác định danh tính người mất tích trong chiến tranh phần lớn đình trệ. Công tác tẩy độc dioxin cũng vậy. Nhưng tôi tin rằng sự trì hoãn này chỉ mang tính tạm thời.
Trong 40 năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có những tiến triển đáng kinh ngạc trong việc cùng nhau xây dựng quan hệ. Tôi nghĩ rằng tùy thời điểm mà một số nội dung trong quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ được chú trọng hơn.
Khắc phục hậu quả chiến tranh là một trong những phương diện hợp tác được nhắc đến trong chuyến thăm của Phó tổng thống Harris. Ảnh: Reuters. |
- Việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh có ý nghĩa thế nào đối với hợp tác trên các lĩnh vực khác?
- Như tôi đã nói ở trước, việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là một phương thức để có thêm nhiều người cùng tham gia vào quá trình hợp tác giữa hai nước.
Ví dụ, khi Đại sứ quán Mỹ dẫn dắt lực lượng chuyên trách tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, công việc này sẽ có sự tham gia của các nhân viên ngoại giao và quân nhân. Một số nhóm người ở Mỹ cũng rất mong muốn được tham gia vào công việc này.
Vì thế, tuy chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể, việc hợp tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh sẽ tạo cơ hội cho sự tương tác rộng lớn hơn.
Ngoài ra, như tôi đã nói từ trước, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ giúp xây dựng những mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, từ đó tạo điều kiện cho những phương diện hợp tác khác như trên lĩnh vực kinh tế hoặc an ninh. Như vậy, việc cùng chung tay khắc phục những vấn đề lịch sử đã mở đường cho những chương trình có mục đích xây dựng tương lai.
Giáo sư Andrew Bellisari giảng dạy lịch sử chính trị tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Rutgers ở New Jersey và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard.
Trong thời gian tại Harvard, giáo sư Bellisari là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Weatherhead.