Khoảng 16h30 ngày 26/8, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris bước lên chuyên cơ Không lực Hai, vẫy tay chào trước khi bước vào bên trong máy bay; qua đó kết thúc chuyến công du kéo dài 5 ngày tại khu vực Đông Nam Á và 3 ngày tại Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của phó tổng thống Mỹ để lại nhiều điểm nhấn. Sau khi gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Việt Nam, bà Harris dự lễ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới cho Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
"Tôi tin rằng chuyến đi này mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam", Phó tổng thống Harris nói trong buổi họp báo tổng kết chuyến đi được tổ chức vào chiều 26/8.
Trả lời Zing, giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ nhận định như bà Harris, nói chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ rất hiệu quả đối với củng cố niềm tin trong quan hệ song phương.
Giáo sư Thayer đặc biệt lưu ý 2 điểm nổi bật trong chuyến thăm, qua các cuộc gặp mặt giữa Phó tổng thống Harris với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Phủ chủ tịch vào sáng 25/8. Ảnh: Reuters. |
Hai điểm nổi bật trong chuyến thăm
“Đầu tiên, Mỹ trước mắt sẽ tăng cường trợ giúp và hợp tác với Việt Nam để chống lại Covid-19, đồng thời cùng phối hợp để đối phó thách thức từ các bệnh truyền nhiễm trong tương lai”, ông Thayer lưu ý từ nội dung chuyến thăm.
Theo vị chuyên gia, diễn biến chính trên phương diện này là việc Mỹ thành lập văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) tại Hà Nội.
Trung tâm này phục vụ cả khu vực Đông Nam Á và có một số chức năng như y tế công cộng, nghiên cứu và đào tạo y tế.
Điểm nổi bật thứ 2 trong chuyến thăm này theo ông Thayer là việc Việt Nam và Mỹ sẽ ưu tiên và lấy quan hệ kinh tế làm nền tảng để tăng cường và nâng cao quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào sáng 25/8. Ảnh: Reuters. |
“Đây là con đường có hai chiều", theo ông Thayer, khi Việt Nam sẽ có biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ làm việc tại Việt Nam. Còn các tập đoàn có năng lực ở Việt Nam sẽ đầu tư vào những lĩnh vực mà Mỹ có nhu cầu, để giúp cân bằng phần nào thương mại và đầu tư song phương.
“Tuy Phó tổng thống Harris có đề cập đến hợp tác quốc phòng và an ninh, cú hích chủ yếu của chuyến đi lần này vẫn là tăng cường hợp tác tổng thể trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện được ký năm 2013”, ông Thayer nói.
Giáo sư Thayer cho rằng sự ủng hộ của phó tổng thống Mỹ đối với việc hợp tác trên nhiều phương diện với Việt Nam (và với Singapore) đã mở ra những cơ hội mới để Mỹ phối hợp với từng quốc gia ASEAN nói riêng, cũng như ASEAN nói chung và các thể chế đa phương liên quan ASEAN.
“Nói tóm lại, Phó tổng thống Harris đã giúp mở rộng thêm cánh cửa hợp tác khu vực các bên cùng có lợi”, ông Thayer nói.
Phó tổng thống Harris bên phác thảo trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Bà nói việc ký kết thỏa thuận thuê đất 99 năm thể hiện rõ cam kết của Washington trong mối quan hệ với đối tác quan trọng như Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Hợp tác ứng phó Covid-19 còn nhiều tiềm năng
Đặt trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, hợp tác ứng phó Covid-19 trở thành một phần quan trọng trong nội dung chuyến thăm lần này.
“Hợp tác chống Covid-19 giữa Việt Nam và Mỹ là một trong những điểm sáng của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang (Học viện Ngoại giao) nhận định.
Khi đại dịch bùng phát tại Mỹ năm 2020, chính phủ và các tổ chức ở Việt Nam đã viện trợ hàng triệu khẩu trang và quần áo bảo hộ cho Mỹ. Điều này được chính phủ và người dân Mỹ cảm ơn và đánh giá cao.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại lễ công bố thành lập văn phòng Đông Nam Á của CDC Mỹ đặt tại Hà Nội vào chiều 25/8. Ảnh: Reuters. |
Theo chiều ngược lại, Mỹ đến nay đã viện trợ hơn 6 triệu liều vaccine (bao gồm một triệu liều vaccine Pfizer đến Việt Nam trong ngày 26 và 27/8), 100 máy thở, 77 thùng siêu lạnh cùng nhiều trang thiết bị y tế cho Việt Nam.
“Dù vậy, hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác”, tiến sĩ Quang nói.
“Thứ nhất, trong cuộc chiến chống Covid-19 đang rất phức tạp, sự ủng hộ, tác động của chính phủ Mỹ để các công ty giao vaccine giao đúng thời hạn 50 triệu liều cho Việt Nam là rất quan trọng”, theo ông Quang.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, nên sẽ có ảnh hưởng lớn đến quá trình phân phối vaccine qua kênh này cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Dư địa hợp tác thứ hai giữa hai nước liên quan đến quá trình điều chỉnh chuỗi cung y tế mà Mỹ đang thực hiện nhằm đa dạng hoá nguồn cung.
Phó tổng thống Harris thăm kho trữ vaccine Pfizer do Mỹ viện trợ tại Kho vaccine tiêm chủng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ở Hà Nội vào sáng 26/8. Ảnh: Reuters. |
Trong quá trình này, Việt Nam có thể tham gia cụ thể và thực chất, theo tiến sĩ Quang. “Hợp đồng giữa Vingroup và tập đoàn Arcturus về sản xuất vaccine mRNA vừa qua là một ví dụ”, ông Quang nói.
Phương diện hợp tác y tế thứ 3 là về mục tiêu phát hiện và ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai - vấn đề thuộc lợi ích chung của các nước Đông Nam Á và của Mỹ.
“(Điều này) được thể hiện rõ trong lễ khai trương văn phòng khu vực của CDC Mỹ đặt tại Việt Nam, một trong bốn văn phòng khu vực của CDC Mỹ trên toàn thế giới”, ông Quang nói.
Cuối cùng, hai nước vẫn còn tiềm năng hợp tác về nhu cầu duy trì chuỗi cung sản xuất toàn cầu và khu vực.
“Dù đang gặp không ít khó khăn trong đối phó với làn sóng dịch hiện nay, Việt Nam vẫn tìm cách duy trì sản xuất, nhất là tại các địa phương ít bị tác động của dịch bệnh”, ông Quang nhận định.
“Trong khi đó, như Phó tổng thống Harris đã nêu rõ trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua, Mỹ ‘phụ thuộc’ vào nguồn cung bên ngoài để phục vụ tăng trưởng kinh tế sau thời gian bị tác động nặng nề bởi đại dịch”, ông Quang cho hay.