"Chúng tôi đã có một cam kết lâu dài cho mối quan hệ này, bởi vì nó quan trọng đối với người dân, đối với an ninh và sự thịnh vượng của người dân Mỹ, và tôi tin là với người dân Việt Nam cũng vậy", bà Harris nói.
"Giờ đây chúng ta đang tăng cường quan hệ đối tác này. Cùng nhau, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề và thách thức truyền thống, và chúng ta sẽ giải quyết những thách thức trong tương lai, để thấy rằng trong những thách thức đó, cũng là những cơ hội mà chúng ta có để tạo ra những khía cạnh mới trong mối quan hệ của chúng ta", bà nói.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trả lời báo chí tại Hà Nội vào chiều 26/8. Ảnh: Reuters. |
Phó tổng thống Harris nói rằng Mỹ sẽ duy trì sự hợp tác cấp cao về an ninh, đồng thời ủng hộ một Việt Nam độc lập và thịnh vượng.
"Chúng tôi sát cánh với Việt Nam để chống lại những mối đe dọa tới đe dọa hàng hải và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", bà nói.
"Mối quan hệ mà chúng tôi có với Việt Nam là mối quan hệ thực sự được xây dựng trên nền tảng hiểu rõ mong muốn chung của nhau để củng cố vị thế kinh tế và an ninh của đất nước, cũng như khả năng của chúng ta để đáp ứng những thách thức của ngày mai", phó tổng thống Mỹ nói.
"Chúng ta đã có những cuộc trò chuyện sâu rộng và đa dạng về góc nhìn trong các cuộc họp ở đây, đặc biệt là ngày hôm qua (25/8) với các quan chức Việt Nam", bà Harris cho biết. "Đơn cử, chúng tôi nói chuyện về vấn đề Covid-19... Việt Nam đã giúp Mỹ và chúng tôi đang giúp Việt Nam về vaccine".
"Chúng tôi ở đây khi các bạn cần", bà Harris nhấn mạnh khi nhắc về việc Mỹ đã tặng Việt Nam 6 triệu liều vaccine trong cuộc chiến chống dịch.
Phó tổng thống Mỹ nói về việc ký thỏa thuận thuê đất để xây trụ sở đại sứ quán mới tại Hà Nội, thể hiện cam kết của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Phó tổng thống Mỹ cho biết hai bên dành nhiều thời gian để bàn những gì có thể hợp tác như vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng; mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu như Covid-19 và việc sản xuất hàng hóa cần thiết và cách thức đó để có tác động toàn cầu đến các nền kinh tế cũng như lực lượng lao động, hoặc sự quan ngại đối với tình trạng xói mòn ở sông Mekong.
"Những vấn đề tương tự cũng xảy ra ở Mỹ. Chúng ta có thể đối thoại và hành động cùng nhau, cả về đầu tư vào đổi mới và công nghệ, cũng như suy nghĩ về cách chúng ta có thể phát triển nền kinh tế của mình, bên cạnh các giải pháp như năng lượng tái tạo", phó tổng thống Mỹ nói.
Phó tổng thống Harris đã trao đổi chi tiết với các lãnh đạo Việt Nam về hợp tác ứng phó với đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Phó tổng thống Mỹ cũng đề cập đến việc ký thỏa thuận thuê đất để xây trụ sở đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội.
"Khi chúng tôi nói về mở ra chương tiếp theo của mối quan hệ, chúng tôi cũng rất tự hào rằng trong chuyến đi này, chúng tôi đã có thể ký thỏa thuận thuê đất có thời hạn 99 năm, để thành lập Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội. Hợp đồng thuê 99 năm như một bằng chứng về cam kết lâu dài của chúng tôi đối với mối quan hệ đối tác mà chúng tôi có với Việt Nam", bà Harris nói.
Bà Harris cũng tái khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, điều bà đã lặp lại nhiều lần trong chuyến đi đến Singapore trước đó.
Hôm 25/8, bà Harris đã gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cùng ngày, Phó tổng thống Harris đã dự lễ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đặt tại Hà Nội. Bà đồng thời có mặt tại lễ ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng đại sứ quán mới của Mỹ với ngân sách 1,2 tỷ USD, xây dựng trên khu đất rộng 3,2 hecta tại quận Cầu Giấy.
Bà Harris dự kiến rời Việt Nam trong chiều 26/8 để đến Hawaii. Theo lịch trình, phó tổng thống sẽ dừng chân ở vùng lãnh thổ Guam của Mỹ.