Phó tổng thống Kamala Harris đến Hà Nội trong lúc thủ đô vẫn đang áp dụng Chỉ thị 16 để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. Trong bối cảnh đó, chương trình hoạt động ngày đầu tiên của bà được bao phủ với các nội dung liên quan chống dịch, dù đó là đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới hay những dịch bệnh có thể sẽ đến trong tương lai.
Và dù trong bối cảnh dịch bệnh, các cuộc gặp và sự kiện bà Harris tham dự đều cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đang trong thời gian rất tốt.
“Trong lúc chúng ta đang ở đây, tôi cũng xin đề nghị chúng ta xem xem có thể làm gì để nâng cấp mối quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược”, bà Harris nói trong buổi gặp sáng 25/8 với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tăng cường hợp tác y tế trong đại dịch
Từ trước chuyến thăm, quan hệ hợp tác ứng phó đại dịch giữa 2 nước đã được chú trọng. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia được Mỹ viện trợ vaccine nhiều nhất với 5 triệu liều Moderna đã nhận, theo dữ liệu do Nhà Trắng công bố.
Trong cuộc gặp mặt sáng 25/8 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó tổng thống Kamala Harris thông báo Mỹ sẽ tặng Việt Nam thêm một triệu liều vaccine Pfizer.
“Ngày hôm nay, tôi rất vui được thông báo rằng thêm một triệu liều nữa, một triệu liều nữa đang trên đường tới Việt Nam trong lúc chúng ta đang trò chuyện và gặp gỡ tại thời điểm này”, bà Harris nhắc lại trong sự kiện vào chiều 25/8. “Những liều vaccine này sẽ bắt đầu tới trong 24 giờ nữa”.
Cũng tại Việt Nam, Phó tổng thống Harris dự lễ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) tại Hà Nội. Văn phòng CDC Đông Nam Á là một trong 4 văn phòng khu vực của CDC Mỹ trên toàn thế giới, và là nỗ lực để chuẩn bị cho dịch bệnh trong tương lai vì, nói như phó tổng thống Mỹ, "đại dịch Covid-19 sẽ không phải là mối đe dọa cuối cùng kiểu vậy mà chúng ta phải đối mặt".
Bà Harris tham dự lễ khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC Mỹ vào ngày 25/8. Ảnh: Quốc Đạt. |
Những ưu tiên dành cho văn phòng khu vực mới này bao gồm: xây dựng lực lượng y tế công cộng cho tương lai, mở rộng đào tạo - tập huấn cho các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng trong khu vực, phát triển các chương trình đổi mới nhằm cải thiện sức khỏe cho các nhóm dân số lưu động và di cư.
Ngoài ra, văn phòng CDC mới cũng ưu tiên bảo đảm công tác phối hợp đồng bộ ứng phó trước các tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng thông qua mạng lưới các Trung tâm Điều hành ứng phó Khẩn cấp, và tăng cường hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các bệnh truyền nhiễm mới nổi và có nguồn gốc từ động vật.
Trong cuộc gặp buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc Mỹ thành lập văn phòng CDC Đông Nam Á tại Hà Nội cũng như việc doanh nghiệp Việt - Mỹ chủ động hợp tác sản xuất vaccine. Thủ tướng bày tỏ mong muốn phía Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là vaccine bằng nhiều hình thức linh hoạt, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Thủ tướng cũng thông báo về việc ký hợp đồng mua khoảng 50 triệu liều vaccine của Pfizer nhưng tới nay số lượng nhận được vẫn khiêm tốn. Thủ tướng đề nghị Mỹ hỗ trợ, tạo điều kiện để Pfizer đẩy tiến độ giao vaccine cho Việt Nam nhanh hơn, nhiều hơn trong năm nay, lưu ý sớm bàn giao vaccine cho trẻ em và người dưới 18 tuổi khi năm học mới sắp bắt đầu.
Quan hệ Việt - Mỹ vẫn trên đà phát triển
Lời đề nghị của Phó tổng thống Harris trong cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không làm giới chuyên gia và nhà quan sát bất ngờ, nhất là khi nó được đưa ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trên đà phát triển trong những năm qua.
Theo Greg Poling, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), Mỹ từ lâu đã muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược.
“Tôi nghĩ rằng Mỹ chắc chắn muốn thiết lập mối quan hệ ấy (quan hệ đối tác chiến lược - PV)”, ông Poling trước đó trả lời Zing trước chuyến đi của phó tổng thống. “Theo tôi nhớ thì cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người đầu tiên đề cập chuyện này với người đồng cấp Việt Nam”. Bà Clinton đảm nhiệm cương vị ngoại trưởng Mỹ trong năm 2009-2013, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters. |
Quan hệ tích cực giữa hai nước được thể hiện qua nội dung trao đổi giữa các nhà lãnh đạo trong sáng 25/8.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong hơn 25 năm qua được hai bên nỗ lực vun đắp thực chất, hiệu quả, phù hợp với tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong thư gửi Tổng thống Truman cách đây 75 năm.
Chủ tịch nước khẳng định trên cơ sở chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả. Hai nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc hai bên chính thức ký hợp đồng thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Tương tự, trong lúc gặp bà Harris, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam coi kinh tế - thương mại là trụ cột và động lực của quan hệ Việt Nam - Mỹ; hoan nghênh việc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra theo Điều khoản 301 về vấn đề tiền tệ và không áp dụng biện pháp thương mại nào đối với Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), đồng thời xem xét khả năng thiết lập khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương hài hòa, bền vững, cùng có lợi…
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong hợp tác và xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 62,5 tỷ USD (tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020).
Trong 25 năm, hai nước đã đạt được những kết quả thực chất, đến mức từ chỗ là cựu thù, Việt Nam và Mỹ giờ có thể hợp tác trên nhiều vấn đề, như ứng phó đại dịch, chuẩn bị cho mối đe dọa y tế tương lai, chống biến đổi khí hậu, và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Murray Hiebert, một chuyên gia khác của CSIS, cũng cho rằng từ khi thỏa thuận đối tác toàn diện Việt - Mỹ được ký kết vào năm 2013, Mỹ đã nhiều lần sẵn sàng đàm phán quan hệ đối tác chiến lược.
Như nhiều người khác, ông Hiebert nhận định tên gọi của mối quan hệ Việt - Mỹ không quan trọng.
“Nó như một cái tách vậy. Việc bạn gọi nó là gì không quan trọng, có thể là cái tách, cái cốc, hay những tên gọi khác. Điều quan trọng hơn cả là bạn bỏ thứ gì vào bên trong”, ông Hiebert nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cũng cùng chia sẻ nhận định trên. “Dù có nâng cấp hay chưa nâng cấp thì quan hệ Việt - Mỹ vẫn đang đi đúng hướng”, ông Cường cho hay.
Quá khứ và tương lai
Ngày 25/8, khi bà Harris đang thăm Việt Nam, cũng là kỷ niệm 3 năm ngày mất của Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu tù binh trong Chiến tranh Việt Nam và về sau trở thành người có đóng góp lớn cho mối quan hệ Việt - Mỹ.
Vào giữa ngày, trên đường từ cuộc gặp gỡ các lãnh đạo của Việt Nam đến lễ khai trương văn phòng CDC, bà Harris đã dừng lại để đặt hoa ở bia tưởng niệm ông bên hồ Trúc Bạch. Năm 1967, chiếc máy bay A-4E Skyhawk mà ông lái bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch, và McCain bị bắt sau đó.
Bà Harris đã dừng lại để đặt hoa ở bia tưởng niệm John McCain bên hồ Trúc Bạch. Ảnh: Reuters. |
Sự kiện công khai cuối cùng của Phó tổng thống Harris trong ngày 25/8 là tham dự lễ ký thỏa thuận thuê đất để xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Đại sứ quán Mỹ cho biết tòa nhà sứ quán mới, với ngân sách xây dựng 1,2 tỷ USD, được lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long và thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, năng động, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Tòa nhà mới sẽ nằm trên một vùng đất "vốn là cánh đồng lúa" hồi đầu những năm 2000. Thiết kế cảnh quan của Khu phức hợp Đại sứ quán, rộng 3,2 ha, lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của đồng bằng sông Mekong và đồng bằng sông Hồng - một "sự kết nối với lịch sử vốn có của khu vực mà Khu phức hợp tọa lạc".
"Thay mặt chính phủ Mỹ, chúng tôi rất hào hứng trước biểu tượng này của mối quan hệ lâu dài với Việt Nam", Phó tổng thống Harris phát biểu tại lễ ký thuê đất. "Nó sẽ là một ngôi nhà, một cơ sở nơi những điều quan trọng sẽ xảy đến".