Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hong Kong rút kế hoạch cách ly 7 ngày, các khách sạn điêu đứng

Rủi ro từ biến chủng Delta khiến Hong Kong gấp rút thu hồi chính sách cách ly 7 ngày. Kế hoạch di chuyển của các du khách bị đảo lộn và hàng loạt khách sạn chịu ảnh hưởng.

Theo Bloomberg, 30 phút sau khi Hong Kong thu hồi chính sách cách ly 7 ngày, tổng đài của Ovolo Hotels kín cuộc gọi đến. Hai khách sạn của chuỗi nằm trong chương trình cách ly bắt buộc của thành phố. Các du khách vội vã tìm cách thay đổi đặt phòng của mình.

Thay đổi đột ngột của Hong Kong đã làm xáo trộn các kế hoạch di chuyển và gây ảnh hưởng đến hàng loạt khách sạn. Chúng diễn ra chỉ vài tuần trước khi bắt đầu năm học mới và kết thúc kỳ nghỉ hè.

Theo giới chức thành phố, quyết định được đưa ra do lo ngại ngày càng tăng đối với biến chủng Delta. Chính sách cách ly 7 ngày sẽ cho phép những người đã tiêm chủng, đến từ các địa điểm có nguy cơ trung bình, chỉ cách ly trong khách sạn một tuần - bằng một nửa thời gian thông thường.

Trước đó, du khách đến từ những quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp - được xếp vào nhóm nguy cơ cao - bị yêu cầu thời gian cách ly lâu hơn là 21 ngày.

Bien chung Delta anh 1

Một khách sạn cách ly tại Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.

Đảo lộn mọi kế hoạch

Theo ông Sonesh Mool, Giám đốc hoạt động của Ovolo, du khách gọi đến và muốn kéo dài thời gian đặt phòng. Tuy nhiên, một số khác hủy bỏ toàn bộ phòng đã đặt. "Thay đổi đột ngột khiến công việc trở nên khó khăn", ông chia sẻ.

"Rất khó để phục vụ du khách một cách nhanh chóng và kịp thời, nhất là khi hàng trăm yêu cầu, email và cuộc gọi đến ồ ạt", ông Mool nói thêm.

Thay đổi đột ngột của Hong Kong đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích. Thành phố rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa cố gắng tái mở cửa, vừa giữ số ca nhiễm Covid-19 gần mức 0 - cách duy nhất để mở lại biên giới với Trung Quốc đại lục.

Chính quyền Hong Kong không cấp phòng khách sạn cách ly cho các du khách. Thay vào đó, du khách phải tự đặt phòng cho mình. Khách sạn cũng có thể tự đặt giá phòng. Do đó, sự thay đổi đột ngột đồng nghĩa với việc các du khách phải giành giật. Một số người thậm chí bỏ chuyến bay vì không thể đảm bảo đặt phòng đầy đủ.

"Động thái của Hong Kong gây gián đoạn cho hầu hết du khách trở về từ châu Âu", ông Frederik Gollo - Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Hong Kong - bình luận.

Bien chung Delta anh 2

Cư dân thành phố tại trung tâm tiêm chủng Covid-19 cộng đồng. Ảnh: China News Service.

"Tình hình là một mớ hỗn độn. Tất cả chủ khách sạn ở Hong Kong đều rất hoảng loạn. Mọi người phải sắp xếp lại tất cả", ông nói thêm.

Trước khi Hong Kong công bố thay đổi, tỷ lệ đặt phòng trung bình tại các khách sạn được chỉ định cách ly trong tháng 9 là khoảng 70%, theo Cục Thực phẩm và Y tế Hong Kong.

Ông Mathew Phan, 40 tuổi, đã đặt một chuyến bay từ Hong Kong đến Mỹ chỉ 4 ngày trước khi thành phố đưa ra những thay đổi mới, xếp Mỹ vào nhóm các nước có nguy cơ cao.

Ông Phan, một nhà phân tích tài chính, giờ phải đối mặt với khả năng mắc kẹt 3 tuần trong khách sạn sau khi trở về từ Mỹ. "Điều này rất, rất khó chịu", ông than thở.

Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam nỗ lực mở cửa lại biên giới với Trung Quốc đại lục. Trước đại dịch, du khách Trung Quốc là một trong những nguồn thu lớn nhất của thành phố. Việc dỡ bỏ cách ly ở cả hai bên sẽ cho phép nối lại các hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đưa ra rất ít dấu hiệu về việc nới lỏng các hạn chế biên giới, nhất là khi đất nước đang đối mặt với một đợt bùng phát virus mới.

Thế khó của Hong Kong

"Tôi không thấy việc thay đổi là hữu ích", Bloomberg dẫn lời ông Danny Lau, Chủ tịch danh dự tại Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và nhỏ Hong Kong, bình luận. "Ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có lịch trình hay các hướng dẫn rõ ràng về điều kiện mở lại biên giới", ông nói thêm.

Ngoài ra, thời gian cách ly lâu sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động ở nước ngoài của những công ty có trụ sở tại Hong Kong, theo ông Lau.

Biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn đã lây lan nhanh chóng trên thế giới. Hôm 17/8, New Zealand - quốc gia có hệ thống cách ly tại khách sạn tương tự Hong Kong, dù chỉ yêu cầu cách ly 14 ngày - cũng phong tỏa toàn bộ đất nước sau khi phát hiện một trường hợp nhiễm virus Delta trong cộng đồng.

Theo giáo sư Ivan Hung tại Đại học Hong Kong, Hong Kong chỉ ghi nhận một trường hợp nhiễm virus Delta trong vòng 2 tháng qua. Tuy nhiên, thành phố vẫn phải nâng cao cảnh giác, nhất là khi Hong Kong đã và đang sử dụng cả vaccine của Pfizer và Sinovac Biotech Ltd.

Theo giáo sư Daivid Hui tại Đại học Hong Kong, những người đã được tiêm vaccine đầy đủ vẫn có thể truyền virus sang người khác. Ông là thành viên của ban cố vấn khuyến nghị chính phủ tăng thời gian cách ly lên 14 ngày.

Bien chung Delta anh 3

Ga khởi hành hoang lạnh tại sân bay quốc tế Hong Kong. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, ngay chính việc cách ly tại khách sạn lâu hơn cũng tạo ra rủi ro lây nhiễm. Nguyên nhân là thiếu thông thoáng và các tòa nhà chật chội ở Hong Kong. Trước khi các quy tắc mới được đưa ra, một cư dân 38 tuổi, đã được tiêm chủng đầy đủ, có kết quả dương tính với virus sau 7 ngày cách ly.

Một chuyên gia y tế nhận định người này đã nhiễm virus từ hai hành khách khác trong thời gian cách ly tại khách sạn. Cả hai đều có kết quả dương tính với Covid-19.

Trước đây, chính quyền thành phố cũng đã bị chỉ trích vì những thay đổi liên tục trong việc đóng cửa trường học, cũng như áp dụng giãn cách xã hội thiếu nhất quán.

Ông Phan, chuyên gia phân tích tài chính, đang tìm cách thay đổi kế hoạch. Ông có thể sẽ bay từ Mỹ qua Singapore - thuộc nhóm có mức độ rủi ro trung bình - để tránh cách ly 3 tuần.

"Làm việc ở nhà đã đủ chán rồi", ông than vãn. "Nếu tôi phải làm việc một mình trong khách sạn, điều đó quá khủng khiếp đối với tôi. Tôi sẽ tránh điều này bằng mọi giá", ông Phan nói thêm.

Những ổ dịch Covid-19 mới đe dọa các nền kinh tế châu Á

Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới ở châu Á đã làm trầm trọng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng của nguồn hàng hóa sản xuất lớn nhất thế giới. 

Biến chủng Delta không phải mối đe dọa duy nhất đối với Trung Quốc

Những con số mới nhất cho thấy dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Biến chủng Delta không phải trở ngại duy nhất cản đường phục hồi kinh tế của đất nước 1,4 tỷ dân.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm