"Trong số 34 đơn vị quân sự của Ukraina, binh sĩ của 23 đơn vị đã đào tẩu", một quan chức địa phương nói với Ria Novosti. Vị quan chức khẳng định, hơn 5.500 binh sĩ Ukraina muốn phục vụ chính quyền tự trị.
Đặc nhiệm Ukraina tại Odessa. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Crimea, ông Aksenov, tuyên bố chính quyền tự trị sẵn sàng đón nhận binh lính Ukraina.
Aksenov cho biết, các binh sĩ khi quyết định đứng về phía nhân dân Crimea sẽ không phải tuyên thệ như trước đây.
“Quốc gia Ukraina mà trước đây họ đã tuyên thệ trung thành, ngày nay không còn tồn tại”, ông nhấn mạnh.
Người đứng đầu Cộng hòa tự trị Crimea cũng từ chối đàm phán với chính quyền lâm thời của Ukraina. “Chúng tôi không công nhận chính phủ đang đề xuất đàm phán với chúng tôi là hợp pháp. Đây là vấn đề chính”.
Trước đó, truyền thông địa phương đưa tin, các đặc phái viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đến Ukraina hôm 4/3 để xem xét tình hình tại bán đảo tự trị Crimea.
Một cuộc họp của quan chức OSCE. Ảnh: Ria Novosti. |
Daniel Baer, trưởng phái đoàn của Mỹ trong OSCE, cho AP hay mỗi quốc gia sẽ cử hai đặc phái viên. Như vậy, tổng số các quan sát viên đến Crimea lần này là 30.
Theo ông Baer, các quan chức của OSCE đến Ukraina vào ngày 4/3 và đang tới Crimea. Họ sẽ xem xét về quyền và tự do báo chí tại Crimea.
Phái đoàn sẽ ở lại Crimea trong vòng một tuần. Nếu Ukraina đề nghị, phái đoàn sẽ ở Crimea lâu hơn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các quan chức OSCE là đánh giá liệu một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra giữa Nga và Ukraina hay không. Thêm vào đó, phái đoàn sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn một “cuộc xâm lược quân sự” và khuyến khích đối thoại.Hãng tin RT đưa tin tối 4/3 rằng phái đoàn của OSCE đã đến thủ phủ Simferopol của Ukraina nhưng họ không đưa ra bình luận.
OSCE bao gồm Nga, Mỹ, toàn bộ các nước châu Âu và một số quốc gia Trung Á. Tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận, nghĩa là phần lớn các quốc gia, bao gồm Nga, đồng tình chuyến công tác tại Crimea lần này.
Trong ngày 1/3, Thủ tướng Crimea đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin "giúp đảm bảo hòa bình và ổn định tại vùng lãnh thổ Crimea". Aksyonov cho biết lời kêu gọi xuất phát từ tình hình thực tế và trách nhiệm của người lãnh đạo đối với cuộc sống và sự an toàn của người dân. Sau đó Điện Kremlin khẳng định Nga "sẽ không bỏ qua" lời yêu cầu giúp đỡ của lãnh đạo khu tự trị Crimea.