Nhiều lao động bị nợ lương thời điểm sát Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa thông tin về tình hình quan hệ lao động trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo đó, cơ quan này đánh giá do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bị thu hẹp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng khiến doanh thu và lợi nhuận bị sụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực để thực hiện chăm lo tết cho đoàn viên và người lao động.
Tính đến ngày 28/1, có 19 doanh nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố nợ 55,3 tỷ đồng tiền lương của 2.632 người lao động, bình quân nợ 21 triệu đồng/người. Trước đó, năm 2022, có 23 doanh nghiệp nợ 74,3 tỷ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ hơn 12 triệu đồng/người.
Như vậy, so với năm 2022, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ năm 2023 đều giảm, nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn.
Theo Tổng Liên đoàn lao động, mức lương bình quân năm 2023 là 8,65 triệu đồng/người. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước có mức lương bình quân 9,8 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 8,7 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 8,68 triệu đồng/người.
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mức thưởng bình quân trên cả nước là 6,83 triệu đồng/người, xấp xỉ mức thưởng dịp Tết Âm lịch năm 2023 (6,86 triệu đồng/người).
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng 6,69 triệu đồng/người, tăng 2,2% so với năm 2023; doanh nghiệp dân doanh là 7,78 triệu đồng/người, tăng 17% so với năm 2023; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 6,05 triệu đồng/người, giảm 16% so với năm 2023.
Trước Tết Nguyên đán 2024, cả nước xảy ra 11 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 7 cuộc so với dịp tết năm 2023.
Theo báo cáo của 74/82 địa phương, đơn vị, gần 7,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các họat động chăm lo của tổ chức Công đoàn, với tổng kinh phí hơn 4.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn xã hội hóa gần 1.800 tỷ đồng (chiếm hơn 42%).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.