Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ký thay Thủ tướng quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.
Mục tiêu của quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Có 120 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020; 14 doanh nghiệp chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước 31/8.
4 doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu phải thoái vốn trước ngày 30/11; không hoàn thành thoái vốn thì hoàn thành chuyển giao về SCIC trước 31/12.
Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có tên trong danh sách phải thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Ảnh: GTN. |
Theo danh sách, 110 doanh nghiệp phải thoái hết vốn Nhà nước có Công ty cổ phần Giày Thượng Đình sẽ được UBND TP Hà Nội thực hiện thoái 68,67% vốn/vốn điều lệ; Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Bộ Công Thương) sẽ chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn...
Trong khi đó, 28 doanh nghiệp còn lại chỉ thoái vốn một phần. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thoái 46,88% vốn/vốn điều lệ, tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại sau khi thoái vốn là 51%/vốn điều lệ; Tổng công ty Dược Việt Nam thoái 29% vốn/vốn điều lệ, tỷ lệ vốn Nhà nước còn lại sau khi thoái vốn là 36%/vốn điều lệ...
Về tổ chức thực hiện, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo tiến độ và tỷ lệ đã được phê duyệt tại các doanh nghiệp; đảm bảo đúng quy trình thủ tục, công khai minh bạch, hiệu quả.
Xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn của từng doanh nghiệp; tổ chức thực hiện việc thoái vốn theo lộ trình đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm tà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thoái vốn.
Trước ngày 1/1/2021, gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện quyết định đến Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp theo dõi, báo cáo Thủ tướng theo quy định.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong việc tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch trong quá trình thoái vốn, đảm bảo hoàn thành thoái vốn theo lộ trình và tỷ lệ vốn Nhà nước cần thoái tại các doanh nghiệp đã được phê duyệt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng kết tình hình thực hiện; xây dựng kế hoạch sắp xếp, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng xem xét trong quý IV.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn thu từ việc thoái vốn của các doanh nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước phù hợp với quy định hiện hành.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.