Phát biểu tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra sáng 27/6, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống và kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, điều này lại đem đến những cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của TP Hà Nội, trong đó có sự chuyển dịch cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia. Thách thức lớn nhất đối với Hà Nội bây giờ là làm thế nào để hiện thực hóa những cơ hội và phát triển đột phá trong thời gian tới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
Nói về bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, ông Ousmane Dione lấy cầu thủ bóng đá người Senegal Pape Omar của CLB Hà Nội, người đồng hương với ông, làm ví dụ. Theo ông, để có được thành công như ngày hôm nay, Pape Omar không đứng tách riêng một mình, mà luôn có sự hỗ trợ từ các đồng đội như Quang Hải, Văn Quyết.
Tương tự, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là phải tạo ra được mối liên kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thành phố có thể hỗ trợ thông qua việc xác định doanh nghiệp nội địa có khả năng thành đối tác hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI.
“Ở Hà Nội, Pape Omar đã tìm được môi trường phù hợp để phát triển tài năng của mình. Với các công ty đa quốc gia cũng vậy, Việt Nam không chỉ có lợi thế về ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn lao động giá rẻ, mà còn đang có công cụ quảng bá khá tốt sau khủng hoảng dịch Covid-19. Hôm nay là thời điểm tuyệt vời, lý tưởng cho Việt Nam và Hà Nội thu hút đầu tư, phát triển”, ông Ousmane Dione nói.
Pape Omar là tiền đạo người Senegal, hiện chơi bóng tại CLB Hà Nội. Ảnh: Thế Anh. |
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng để các doanh nghiệp FDI "định cư" tại Hà Nội, ngoài xây dựng môi trường pháp lý phù hợp, TP cần kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh với môi trường xanh sạch đẹp, đáng sống.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thông tin có rất nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch các cơ quan đại diện từ Singapore, Thái Lan về Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để hiện thực hóa những dự án này.
Ông Lộc khẳng định hoạt động xúc tiến là quan trọng nhất. Cụ thể, tuyến đầu cần tiếp nhận làn sóng đầu tư mới, để các làn sóng đầu tư này tăng cứ điểm của họ tại Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh thành khác.
Theo ông Lộc, đây là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới. Việt Nam nên dựa vào nguồn vốn đầu tư trong nước, kết hợp với nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn FDI.