Sáng 27/6, UBND Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Hà Nội phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy cả nước cùng phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị của Hà Nội cho hội nghị, họp 4 tiếng nhưng đã chuẩn bị 4 tháng. Đây cũng là lần thứ 4 liên tiếp Hà Nội tổ chức xúc tiến đầu tư, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo tại Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển". Ảnh: Việt Hùng. |
Hà Nội cần hướng đến vị thế trung tâm Đông Nam Á
Thủ tướng cho biết dịch Covid-19 gây ra đứt gãy của kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới đi xuống, các nước ASEAN tăng trưởng âm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm từ 6,8% xuống còn trên 2%.
“Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng là mức tăng cao nhất ở khu vực châu Á. Ở châu Á, chỉ có một số nước có tăng trưởng dương, như Trung Quốc tăng 1%”, Thủ tướng nói.
Để đạt được thành tích này, Việt Nam đã ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Thứ hai, Việt Nam không để đứt gãy nền kinh tế với quý I tăng trưởng GDP đạt 3,62%, mặc dù những đối tác quan trọng của nước ta như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, những nước Bắc Á gặp khó khăn.
Thủ tướng đánh giá việc thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển lúc này là vấn đề cấp bách.
Yếu tố thứ ba là an sinh xã hội, giải quyết vấn đề việc làm. Hà Nội đã giải quyết kịp thời những vấn đề trên với sự giám sát của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo Thủ tướng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền TP sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm.
“Quan điểm trước đây ‘Hà Nội không vội được đâu’ giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với vị thế mới của mình, Thủ tướng cho rằng Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc.
“Vì vậy, Hà Nội không đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, phải vươn tầm cạnh tranh với các TP khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Thượng Hải,…”, Thủ tướng nói.
Đề nghị Hà Nội đến năm 2030 chạm ngưỡng khu vực có thu nhập cao
Để Hà Nội thực hiện hóa được tầm nhìn phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng nhìn nhận phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Về thiên thời, phải có cơ chế chính sách tài chính, hành lang pháp lý tốt; tìm cơ hội mới ở những thị trường mới, nắm bắt xu hướng chuyển dịch toàn cầu. Thủ tướng khẳng định chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay, nên phải nắm bắt.
Bàn về yếu tố địa lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hà Nội cần tận dụng lợi thế địa lý, liên kết với các vùng để phát triển. Mỗi địa phương ở Thủ đô cũng cần chia sẻ cơ hội, nguồn lực để cùng phát triển, kết nối.
Nhấn mạnh “nhân hòa” chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng nói Hà Nội phải có cổ động chiến lược đồng hành. Đây đang là cơ hội để Hà Nội tìm được doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi và doanh nghiệp có cơ hội đặt niềm tin vào Hà Nội.
Khi đã có được nhân hòa, Hà Nội cần kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh với môi trường xanh sạch đẹp, đáng sống. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng tính thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà kinh tế số cần được xem là mục tiêu quan trọng.
Thủ tướng cũng chỉ ra chất lượng tăng trưởng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa cao, dưới mức tiềm năng và chưa bền vững; môi trường đầu tư được cải thiện nhưng chưa đủ hấp dẫn những doanh nghiệp mang tầm quốc tế là mặt hạn chế. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn chưa hiệu quả, bộc lộ một số hạn chế trong liên kết ngành, chưa đồng bộ; áp lực tình trạng di dân nhanh là quá lớn.
Thủ tướng mong muốn các cơ quan bộ ngành tiếp thu, đề xuất kiến nghị mang tính tầm nhìn. Hà Nội phải thực hiện nhất quán các phương châm phát triển, không chỉ nói suông.
Đồng thời, các bộ ngành, trung ương phải tạo điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ cam kết bên cạnh Hà Nội để tháo gỡ khó khăn nhanh hơn.
Với thu nhập bình quân tại Hà Nội là 5.500 USD/năm, mức tăng trưởng 9%/năm, Thủ tướng đề nghị đến 2030, Hà Nội chạm ngưỡng khu vực kinh tế có thu nhập cao.