Sáng 27/6, UBND Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, tới dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị lần này, Hà Nội gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước 3 thông điệp. Thứ nhất, sự kiện tổ chức sau dịch Covid-19 nên đây là minh chứng cho việc Hà Nội là điểm đến an toàn.
Thứ hai, hội nghị xúc tiến 2020 là nơi các đại sứ, nhà đầu tư nước ngoài gặp gỡ Hà Nội. Điều này cho thấy TP là môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định. Và thứ ba, Hà Nội tiên phong trong phục hồi phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi kinh tế xã hội.
“Cần phục vụ tốt nhất các doanh nghiệp”
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định ngành nông nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện để xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển. Ông lý giải sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cơ bản phục vụ được 100 triệu dân và dành 1 phần cho xuất khẩu. Cụ thể năm 2019, xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD.
“Đặc biệt, trong 5 năm gần nhất, mỗi năm giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng 2 tỷ USD. Đây là kết quả rất ít nước trên thế giới làm được”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Việt Hùng. |
Đối với Hà Nội, Bộ trưởng đánh giá là thành phố tiềm năng để xúc tiến thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội có hạ tầng, giao thông tốt; tập trung nhiều viện nghiên cứu, trường học nông nghiệp, trình độ dân trí cao. Đồng thời, là trung tâm giống của rất nhiều loại nông sản.
Bộ trưởng Cường hy vọng các doanh nghiệp nghiên cứu hệ sinh thái, tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết cùng UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp quyết định lựa chọn hướng đầu tư.
Trong khi đó, Chủ tịch Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết cùng với TP.HCM, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số doanh nghiệp trên đầu dân. Các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang có mặt tại Hà Nội.
Ngoài ra, rất nhiều tập đoàn xuyên quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch các cơ quan đại diện từ Singapore, Thái Lan về Việt Nam. Ông Lộc đánh giá đây là cơ hội tốt cho Việt Nam phát triển đột phá trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Việt Hùng. |
Chủ tịch VCCI thông tin thông qua các bản ghi nhớ, quyết định chủ trương đầu tư ghi nhận đề xuất dự án đầu tư công sơ bộ đạt trên 40 tỷ USD. Không chỉ số lượng rất lớn, chất lượng đầu tư còn thể hiện ở những dự án về xã hội, môi trường.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là làm thế nào để hiện thực hóa những dự án này. Ông Lộc khẳng định hoạt động xúc tiến là quan trọng nhất, cụ thể tuyến đầu cần tiếp nhận làn sóng đầu tư mới, để các làn sóng đầu tư mới này tăng cứ điểm của họ tại Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh thành khác.
“Cùng với việc mời gọi các nhà đầu tư mới, cần phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp đang ở trong sân và ngoài ngõ nhà mình”, Chủ tịch VCCI nói.
Lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước là rất lớn, cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do đó, cần dựa vào nguồn vốn đầu tư trong nước, kết hợp với nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn FDI.
Tập trung phát triển các khu công nghiệp hiện đại
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) Virginia B. Foote cho rằng Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư thêm kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các nhà đầu tư.
"Chúng tôi tin tưởng Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển", bà Virginia B. Foote nói.
Thời gian tới, AmCham đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện mạnh mẽ theo hướng này, đồng thời thu hút đầu tư hiệu quả hơn.
Trong khi đó, đại diện Công ty Tài chính quốc tế IFC khẳng định Việt Nam đang tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, chuyển đổi, ưu tiên thu hút đầu tư FDI thế hệ mới, nâng chuẩn, nâng chất, đạt thành quả giá trị cao hơn.
Hà Nội đã làm rất tốt công tác thu hút FDI, nhưng chủ yếu mới trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, dư địa để thành phố thu hút đầu tư nước ngoài hiện vẫn rất lớn.