Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội Xuất bản kiến nghị về việc hình sự hóa luật xuất bản

Thay mặt các đơn vị làm nghề, Hội Xuất bản gửi đơn kiến nghị thay đổi một số chi tiết trong điều 225, điều 334 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 13/9, Hội Xuất bản đã gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông, Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự 2015… Nội dung đơn kiến nghị sửa đổi những quy định đối với hoạt động xuất bản trong Bộ luật hình sự 2015.

Sau hai cuộc hội thảo với các đơn vị làm nghề tại Hà Nội và TP.HCM, Hội Xuất bản nhận thấy trong Bộ luật Hình sự 2015 có “nhiều quy định liên quan đến hoạt động xuất bản nếu được áp dụng trong thực tiễn sẽ gây hoang mang cho những người làm nghề nói riêng, cũng như tạo ra rào cản cho sự phát triển của ngành xuất bản nói chung”.

Hoi Xuat ban,  Bo luat Hinh su anh 1
Ông Đỗ Quý Doãn - Chủ tịch Hội Xuất bản. Ảnh: Việt Hà

Cụ thể, ở Khoản 1, Điều 225 có những điểm chưa hợp lý khi xử phạt đối tượng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Theo điều này, những hành vi thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng tới ba trăm triệu đồng…”.

Hội Xuất bản cho rằng những hành vi vi phạm trong Điều 225 về bản chất là in trái phép cần được nghiêm trị. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào số tiền gây thiệt hại để đưa ra tội danh và mức xử phạt thì sẽ bỏ sót tội cố ý tuyên truyền sai lệch về nhiều vấn đề trọng yếu khác như chủ quyền quốc gia dù chỉ được in dưới mức thiệt hại nói trên.

Vì vậy Hội kiến nghị nên bỏ Điều 225 này để xây dựng một  Điều 344 mới, trong đó có quy định xử lý vi phạm về quyền tác giả.

Với điều 334 Bộ luật Hình sự về “Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản”, Hội đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi.

Điểm a, Khoản 1 điều 334 quy định một trong những hành vi phạm tội là “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Hội Xuất bản chỉ ra ở nước ta hiện nay chưa có một văn bản luật nào quy đinh cụ thể về biên tập nói riêng hay quy trình nghiệp vụ của ngành xuất bản nói chung.

Vì vậy, việc Điểm a Khoản 1 quy định hành vi “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản” nhưng không nói rõ căn cứ để xác định hành vi “không tuân thủ” là dựa vào quy trình của nhà xuất bản, hay theo quy định của pháp luật là một sự thiếu sót cần sửa đổi.

Theo Hội Xuất bản, Điểm a Khoản 1 Điều 344 mang tính nghiệp vụ của ngành xuất bản, đã được xử lý ở Luật Xuất bản 2012 và Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí và xuất bản, vì vậy Hội đề xuất lược bỏ, không đưa vào Bộ luật hình sự 2015.

Điểm b Khoản 1 quy định hành vi “In trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật”.

Hội nhìn nhận đây là quy định đưa ra nhằm hướng tới xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi in trái phép hay in lậu. Vì hành vi in lậu sách gây ra tác hại nặng nề, nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của ngành xuất bản trong nhiều năm qua, nên Hội đề nghị lược bỏ cụm từ “trên 2.000 bản đối với từng” ở Điểm b Khoản 1, vì giá trị sử dụng xuất bản phẩm là ở nội dung của nó, không nên quy về giá trị kinh tế.

Dù chỉ in 10 bản mà là sách lậu, sách có nội dung xấu, nguy hiểm cũng phải xử lý hình sự. Đề nghị bổ sung vào trước từ “In” ở Điểm b khoản 1 cụm từ “Tổ chức in hoặc in, sao” để không chỉ phạt hình sự cơ sở in, mà còn phạt cả những người thuê người khác in lậu, sao lậu xuất bản phẩm.

Ở Điểm c Khoản 1 quy định “Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm”. Đây là một quy định nhằm hướng tới việc xử phạt vi phạm đối với các nhà xuất bản, cơ sở in và cơ sở phát hành.

Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Xuất bản 2012 thì cơ sở in và cơ sở phát hành không có chức năng kiểm duyệt nội dung đối với các xuất bản phẩm được xuất bản.

Hiện nay chưa có một cơ sở dữ liệu chính thức nào từ cơ quan chức năng để cung cấp cho các cơ sở in và cơ sở phát hành biết những xuất bản phẩm nào bị đình chỉ, tịch thu, cấm lưu hành, thu hồi, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép.

Vậy chỉ quy định trách nhiệm này đối với nhà xuất bản, vì họ có điều kiện để tiếp cận thông tin về các xuất bản phẩm có nội dung bị cấm nói trên.

Ngoài ra, Hội Xuất bản cũng kiến nghị thay đổi, điều chỉnh một số chi tiết ở điều 344 Bộ Luật Hình sự, như điểm e Khoản 1, Điểm b Khoản 2, Điểm c Khoản 2...

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ hình sự hóa nội dung xuất bản

Đại biểu Lâm Đình Thắng đề nghị điều chỉnh Điều 344 trong Bộ luật Hình sự 2015 bỏ hình sự hóa một số hoạt động xuất bản.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm