Vừa qua, Văn phòng phía Nam của Hội xuất bản Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về bộ luật Hình sự 2015 có các điều khoản liên quan đến hoạt động xuất bản, in và phát hành. Đại diện của các đơn vị, công ty trong giới xuất bản đều hoang mang lẫn bức xúc khi cho rằng các quy định của điều 344, Bộ luật Hình sự 2015 quá hà khắc, đã hình sự hóa những hoạt động nghiệp vụ.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam đã chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này.
- Bộ luật hình sự 2015 có bổ sung điều luật mới, cụ thể là điều 344 liên quan đến ngành xuất bản. Tuy nhiên, những quy định này gây hoang mang cho người làm nghề. Vậy cụ thể những bất cập của điều 344 như thế nào thưa ông?
- Điều 344 của Bộ luật hình sự 2015 ghi rõ quy định sẽ phạt cảnh cáo, phạt tiền và cao nhất là phạt tù đến 2 năm với những hành vi vi phạm trong ngành xuất bản. Ở điều 344 quy định có 6 hành vi phạm tội như: Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm; không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm…
Tôi thấy những hành vi này không đáng để hình sự hóa, không đáng để phải phạt tù. Những hành vi đó chỉ là sai sót về mặt nghiệp vụ. Nếu hành vi này gây hậu quả làm chết người, vi phạm điều cấm của Luật xuất bản 2012 hay gây tác hại xã hội, nguy hiểm cho cộng đồng thì bị phạm tội thì không sao. Đây hoàn toàn là quy trình nghiệp vụ thì tại sao lại hình sự hóa?
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho rằng điều 344, Bộ luật hình sự 2015 không phù hợp, sẽ cản trở sự phát triển của ngành xuất bản. Ảnh: Bá Ngọc |
- Nếu điều 344 Bộ luật hình sự 2015 được đưa vào thi hành có thể sẽ tác động thế nào đến ngành xuất bản?
- Đa số các đơn vị, công ty xuất bản, phát hành đều cho rằng những quy định này chưa thỏa đáng. Nếu điều luật này đưa vào áp dụng thì những người làm xuất bản, cán bộ, biên tập, giám đốc nhà xuất bản sẽ bị rơi vào vòng lao lý một cách rất dễ dàng. Điều này sẽ gây bất an, lo sợ trong giới làm nghề.
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập, dân chủ, nhiều tội hình sự được bỏ bớt, nhiều tội nặng như tử hình đã giảm án xuống. Qua vụ án quán café Xin chào, quan điểm của lãnh đạo đất nước là không hình sự hóa các hoạt động kinh tế. Vậy tại sao lại hình sự hóa các hoạt động xuất bản.
Điều luật này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người làm nghề mà hoạt đông xuất bản chắc chắn sẽ gặp khó khăn và khó phát triển.
- Những hành vi vi phạm về xuất bản đã được quy định trong luật xuất bản thế nào thưa ông?
- Trong Luật xuất bản 2012 và nghị định 159/2013/NĐ-CP, cụ thể tại điều 22, chỉ phạt tiền với những hành vi quy định tại điều 344 Bộ luật hình sự.
Những hành vi đó không gây hậu quả nghiêm trọng, không chống phá chế độ… thì tại sao lại phạt tù. Còn những hành động nghiêm trọng thì đã được điều chỉnh trong điều 117, Bộ luật hình sự 2015. Do đó, các hội viên của Hội xuất bản đều bức xúc trước quy định quá khắc nghiệt của Bộ luật hình sự 2015. Tất cả đều đề nghị bỏ điều 344.
- Trong thời gian diễn ra dự thảo Bộ luật hình sự 2015, tại sao phía hội và đơn vị xuất bản không lên tiếng để cơ quan làm luật có sự điều chỉnh kịp thời hơn?
- Tôi về Hội Xuất bản được 2 năm, nghĩa là trong thời gian dự thảo này được xây dựng. Tuy nhiên, những người làm nghề xuất bản không ai được hỏi để đóng góp ý kiến. Có lẽ đây là sự bất cập trong quá trình làm luật hoặc thời gian làm luật diễn ra gấp gáp nên ban dự thảo đã không đủ thời gian để hỏi ý kiến của người làm nghề. Tôi nghĩ, không chỉ có bất cập của điều 344 mà còn nhiều điều khác nên bộ luật hình sự 2015 đã phải tạm hoãn thi hành.
Ông Lê Hoàng gắn bó với ngành xuất bản 20 năm qua. Ảnh: Bá Ngọc |
- Là đại diện của các nhà xuất bản, công ty phát hành sách và xuất bản, Hội sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của hội viên trước những điều luật quá hà khắc như điều 344?
- Việc bảo vệ quyền lợi của hội viên và đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách văn bản liên quan đến hoạt động của hội viên là chức năng, nhiệm vụ của Hội Xuất bản. Buổi tọa đàm giữa hội và các đơn vị xuất bản vào ngày 21/7 vừa qua liên quan đến bộ luật hình sự 2015 là việc làm đầu tiên.
Tiếp đó, chúng tôi sẽ tập hợp những ý kiến của hội viên về điều 344 để gửi về lãnh đạo hội.
Sau khi nhận kiến nghị của các hội viên, Hội Xuất bản sẽ gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, cơ quan pháp chế của phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI để các cơ quan này tổng hợp và làm việc với bộ phận soạn thảo Luật hình sự 2015.
Bản thân tôi sẽ đề nghị hội nghị thường vụ và ban chấp hành của Hội Xuất bản Việt Nam vào đầu tháng 8 tới đưa nội dung các điều luật của Bộ luật hình sự liên quan đến ngành xuất bản vào bàn bạc và đưa vào nghị quyết của ban chấp hành.
Ngoài ra, chúng tôi dự định trao đổi với đại biểu quốc hội tại TP HCM. Tôi tin rằng những đóng góp, ý kiến phản ánh của Hội với lý lẽ xác đáng thì điều 344 sẽ được hủy bỏ.