Sáng 21/10, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hai điều 225 và 344 liên quan đến hoạt động xuất bản, được trình tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV để thông qua.
Thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM (tổ 2), đại biểu Lâm ĐìnhThắng nhận định dự án luật còn những bất cập tồn tại trong một số quy định tại Điều 344.
Theo đại biểu Thắng, Điểm a (Khoản 1 Điều 344) quy định một trong những hành vi phạm tội là “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Về vấn đề này, ông Lâm Đình Thắng phân tích hiện nước ta chưa có văn bản luật nào quy định cụ thể về biên tập nói riêng hay quy trình nghiệp vụ của ngành xuất nói chung. Trong thực tế hoạt động, mỗi nhà xuất bản sẽ áp dụng quy trình riêng, đã được quy định ở Luật Xuất bản năm 2012 và Nghị định 159/2013 về xử phạt hành chính trong báo chí xuất bản.
“Việc điểm này quy định 'không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản' nhưng không nói rõ căn cứ để xác định hành vi “không tuân thủ” là dựa vào quy trình nào của nhà xuất bản, hay theo quy định phát luật. Đây là một thiếu sót cần sửa đổi”, đại biểu Thắng nói.
Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng đề nghị bỏ hình sự hóa nhiều nội dung xuất bản. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Vì vậy, đại biểu Lâm Đình Thắng góp ý Điểm a Khoản 1 Điều 344 mang tính nghiệp vụ của ngành xuất bản, đã được xử lý trong quy định nói trên nên cần lược bỏ, không đưa vào Bộ luật hình sự 2015.
Ngoài ra, vị đại biểu này cũng nêu Điểm b, Khoản 1 quy định hành vi “in trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản, không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh; không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật”.
Về điểm này, Khoản 2 Điều 4 Luật Xuất bản 2012 thì in là việc sử dụng thiết bị in để tạo ra xuất bản từ bản mẫu và hoạt động in xuất bản phẩm là chức năng chỉ cơ sở in mới có thể thực hiện được. Do đó, quy định này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đưa ra nhằm hướng tới xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi in trái phép hay in lậu.
Bên cạnh đó, đại biểu Thắng cũng nhìn nhận hành vi in lậu sách gây ra tác hại nặng nề, nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của ngành xuất bản trong nhiều năm qua, nên đề nghị lược bỏ cụm từ “trên 2.000 bản đối với từng” ở Điểm b Khoản 1, vì giá trị sử dụng xuất bản phẩm là ở nội dung của nó, không nên quy về giá trị kinh tế.
“Dù chỉ in 10 bản mà là sách lậu, sách có nội dung xấu, nguy hiểm cũng phải xử lý hình sự. Đề nghị bổ sung vào trước từ 'in' ở Điểm b khoản 1 cụm từ 'Tổ chức in hoặc in, sao' để không chỉ phạt hình sự cơ sở in, mà còn phạt cả những người thuê người khác in lậu, sao lậu xuất bản phẩm”, ông Thắng phân tích.
Cũng theo ông Thắng, Điểm c Khoản 1 quy định “Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm”. Đây là một quy định nhằm hướng tới việc xử phạt vi phạm đối với các nhà xuất bản, cơ sở in và cơ sở phát hành.
Đại biểu Thắng phân tích căn cứ vào Luật Xuất bản 2012 thì cơ sở in và cơ sở phát hành không có chức năng kiểm duyệt nội dung đối với các xuất bản phẩm được xuất bản.
Kết thúc phát biểu, ông Thắng nhấn mạnh, một số điểm ở Điều 344 mâu thuẫn với Luật Xuất bản năm 2015, không có chế tài đủ mạnh với hành vi in lậu, bỏ sót đối tượng cần xử phạt hình sự, chưa sát thực tiễn, hình sự hóa nhiều nội dung xuất bản, vi phạm nghiệp vụ hành chính…Vì vậy, ông đề nghị cần điều chỉnh cụ thể Điều 344 về hoạt động xuất bản.