Sáng 13/10, tại văn phòng công ty Fahasa (quận 1, TP.HCM), giới xuất bản/phát hành có buổi làm việc cùng Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa xoay quanh những kiến nghị sửa đổi về các quy định đối với hoạt động xuất bản trong Bộ Luật hình sự 2015.
Trong sự kiện, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại phía Nam - nêu lại những vấn đề chính ở công văn kiến nghị về Bộ Luật hình sự mà trước đó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn đã gửi tới Quốc hội và các ban ngành liên quan.
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến việc Hội xuất bản Việt Nam đưa ra các kiến nghị sửa đổi vì đơn vị này nhận thấy Bộ Luật hình sự 2015 có nhiều quy định liên quan tới hoạt động xuất bản nếu được áp dụng trong thực tiễn sẽ gây hoang mang cho những người làm nghề, cũng như tạo ra rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành xuất bản.
Buổi làm việc thảo luận, trao đổi về hai điều chính trong Bộ Luật hình sự 2015 gồm: Điều 225 liên quan tới Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và Điều 344 quanh Tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản.
Đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa (giữa) nghe giới xuất bản/phát hành trình bày những kiến nghị về việc sửa đổi luật liên quan đến hoạt động xuất bản. Ảnh: Lâm Vĩnh Thái. |
Cụ thể, Hội Xuất bản Việt Nam kiến nghị bỏ Điều 225 về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo cơ quan này, những hành vi vi phạm trong Điều 225 về bản chất là in trái phép, cần được nghiêm trị. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào số tiền gây thiệt hại để đưa ra tội danh và mức xử phạt thì sẽ bỏ sót tội cố ý tuyên truyền sai lệch về nhiều vấn đề trọng yếu khác như chủ quyền quốc gia dù chỉ được in dưới mức thiệt hại nói trên.
Tuy nhiên, Hội xuất bản Việt Nam cũng chỉ ra cần xây dựng Điều 344 mới, trong đó có quy định xử lý vi phạm về quyền tác giả (dựa theo một số ý được chuyển từ Điều 225 hiện tại sang).
Bên cạnh đó, đại diện Hội xuất bản Việt Nam còn phân tích rõ những bất cập tồn tại trong một số quy định ở Điều 344.
Theo đơn vị này, Điều 344 của Bộ Luật hình sự 2015 có nhiều nội dung bị hình sự hóa bất hợp lý. Điển hình trong số đó là người làm xuất bản có nguy cơ đi tù nếu “không tuân thủ quy định về biên tập” dựa trên Điểm a Khoản 1, Điều 344.
Phía đại diện các nhà xuất bản/phát hành tại TP.HCM kiến nghị bỏ nội dung trên, đồng thời nhấn mạnh đó là động tác hình sự hóa không cần thiết vì “quy định về biên tập” là công việc thuần túy kỹ thuật, thường do mỗi nhà xuất bản tự quy định sao cho đạt hiệu quả công việc.
Điểm bất hợp lý kế tiếp nằm ở quy định “in trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản” (Điểm b Khoản 1).
Giới xuất bản/phát hành tại TP.HCM cho đây là quy định tạo ra sự mâu thuẫn giữa Bộ Luật hình sự với Luật Xuất bản 2012. Hơn nữa, việc “xác nhận đăng ký xuất bản” cũng không phải là nghĩa vụ của cơ sở in nên việc gán ghép tội này cho cơ sở in là không hợp lý.
Trong thực tế, theo quy định của pháp luật, giám đốc các nhà xuất bản chỉ ký quyết định xuất bản sau khi đã được Cục Xuất bản - In và Phát hành kiểm tra bản quyền, nội dung đề tài rồi cấp Giấy xác nhận đăng ký xuất bản. Vì vậy, yêu cầu bỏ cụm từ “không có xác nhận đăng ký xuất bản” ở Điểm b Khoản 1, Điều 344.
Đại diện Hội xuất bản Việt Nam cũng đề nghị lược bỏ cụm từ "trên 2.000 bản đối với từng…" tại Điểm b Khoản 1, Điều 344 vì giá trị sử dụng xuất bản phẩm là ở nội dung của nó, không nên quy về giá trị kinh tế. Dù chỉ in 10 bản mà là sách lậu, sách có nội dung nguy hiểm cũng phải xử lý hình sự.
Mặc khác, kiến nghị bổ sung vào trước từ “in” ở Điểm b Khoản 1, Điều 344 cụm từ “Tổ chức in hoặc in, sao” để không chỉ phạt hình sự cơ sở in, mà còn phạt cả những người thuê người khác in lậu, sao lậu xuất bản phẩm.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam - thay mặt giới xuất bản/phát hành trình bày các kiến nghị tới đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Lâm Vĩnh Thái. |
Về hành vi “thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã dược ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản” quy định ở Điểm b Khoản 2, Điều 344 có thể bị phạt từ 2-5 năm tù.
Đa phần các ý kiến chỉ ra nội dung “thay đổi, sai lệch nội dung bản thảo” đã được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản 2012 nên không cần hình sự hóa tất cả nội dung này, mà chỉ nên đưa những hành vi bị cấm đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho ngành xuất bản, cho xã hội và an ninh quốc gia vào trong Bộ Luật hình sự 2015.
Buổi làm việc còn dành thời gian bàn về các quy định không được xuất bản, in và phát hành các xuất bản phẩm bị cấm, bị thu hồi, tịch thu, đình chỉ phát hành, cấm nhập khẩu… theo Điểm c Khoản 1, Điều 344.
Ở cuối buổi trao đổi, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết nhìn chung công văn của giới xuất bản/phát hành đầy đủ và chi tiết so với trước đây. Ông ghi nhận các kiến nghị trên, đồng thời đây cũng là một trong những nội dung cải cách hành chính mà Chính phủ đang rất quan tâm.
Theo ông, các ngành kinh tế hiện nay có hàng nghìn điều kiện được đẻ ra (thường gọi là giấy phép con) nhằm cản trở hoạt động kinh doanh.
“Tôi biết đang có dự án về Luật Sửa đổi các luật đầu tư kinh doanh và dự án này sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới, mục đích là chỉnh sửa các điều kiện về giấy phép con vốn đang gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh của tất cả ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản” - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nói thêm.
Cuối cùng, ông Trương Trọng Nghĩa cũng kêu gọi các đơn vị liên quan nên có những đóng góp cụ thể, chi tiết bằng văn bản để bản thân trình bày, thông tin rõ hơn về mọi kiến nghị nói trên trong cuộc họp tổ ở Quốc hội.