Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồi ức của các vị tướng về ngày thống nhất

Qua trang hồi ức của các vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Đan, chiến dịch mùa xuân năm 1975, ngày thống nhất đất nước hiện lên rõ nét.

Sự kiện trọng đại của dân tộc được khắc họa trong nhiều tư liệu, cuốn sách, công trình nghiên cứu. Hồi ức của các vị tướng lĩnh là những trang sử sống động về ngày tháng đấu tranh cho giờ phút “bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”.

Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tổng hành dinh là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam những năm 1967-1975 (đặt tại Hoàng thành, Hà Nội). Đây được xem là “bộ não” của chiến dịch Hồ Chí Minh, nơi đưa ra nhiều quyết định quan trọng tiến tới thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.

Hoi uc ve chien dich Ho Chi Minh anh 1

Bìa cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

Sách Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng là cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do Phạm Chí Nhân thể hiện). Sách được công bố lần đầu tiên khi Đại tướng ở tuổi 90. Sách chứa đựng những kỷ niệm, trăn trở của Đại tướng về những năm tháng hào hùng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Cảm xúc của vị tướng hiện lên rõ nét qua trang hồi ức ngày 30/4/1975: “Sớm hơn thường lệ, tôi ngồi vào bàn làm việc ở Sở chỉ huy. Trên tấm bản đồ ở mặt bàn, các mũi tên đỏ đã tiến vào trung tâm thành phố. Tôi phác họa trong đầu một chương trình cho ngày hôm ấy, với bao nhiêu công việc phải làm: Hội ý Bộ Chính trị, nắm thêm phản ứng của Mỹ, dự kiến các hoạt động quân sự, chính trị trong trường hợp chưa dứt điểm được ngay, chỉ đạo tác chiến và nổi dậy ở phần đất còn lại sau khi Sài Gòn giải phóng, điện động viên bộ đội, nhắc nhở chấp hành nghiêm các chính sách vào thành...”.

Cuốn sách cho người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ, thấy rõ hơn bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam ở những thời điểm lịch sử quyết định: Nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán, nắm bắt thời cơ và tạo ra thời cơ lớn, nỗ lực cao độ để quyết đánh và quyết chiến thắng kẻ xâm lược.

"Đại thắng mùa xuân"

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) là người được cử đi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với cương vị Đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo trực tiếp trong chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Một năm sau sự kiện lịch sử 1975, theo đề nghị của báo Nhân dân, ông kể lại câu chuyện khi mình trực tiếp tham gia chiến trường, chỉ huy chiến dịch quan trọng.

Sau khi loạt bài được đăng tải, nhiều nhà xuất bản đề nghị in thành sách. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã viết lại các bài, bổ sung thêm tư liệu thành cuốn Đại thắng mùa xuân (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân).

Cuốn sách của Đại tướng Văn Tiến Dũng phác thảo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Theo lời tác giả viết, “cuốn sách nhằm giới thiệu với bạn đọc những vấn đề thuộc về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự đấu lực và đấu trí thông minh của Đảng, nhân dân ta, quân đội ta trong phạm vi chiến lược và chiến dịch để dẫn đến toàn thắng”.

Sách được đánh giá là “mang giá trị lịch sử và quân sự sâu sắc bởi nhiều cứ liệu chính xác”.

"Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập"

Thiếu tướng Hoàng Đan (1928-2003) tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới. Cuốn Từ sông Bến Hải đến dinh Độc Lập là những trang hồi ức của vị tướng dạn dày trận mạc.

Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân là nơi tiếp nhận những trang viết của thiếu tướng Hoàng Đan, hoàn chỉnh, hiệu đính và xuất bản thành sách song ngữ Việt - Anh.

Ở đó, thiếu tướng Hoàng Đan nhắc kỷ niệm về các trận đánh mà ông và đồng đội trải qua, là những tư liệu quý về mùa xuân năm 1975 như: Thượng Đức, Huế, Phan Rang, Nước Trong, Thành Tuy Hạ, và cuối cùng là dinh Độc Lập, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuốn sách là nguồn tư liệu lịch sử sống động, mang giá trị lý luận quân sự quý báu, đúc kết từ thực tiễn.

Qua những trang tư liệu, độc giả hiểu thêm về tác giả, những trận đánh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975.

Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản nêu: “Chính từ những trang viết này, người đọc thấy ở ông một con người có ý thức trách nhiệm cao trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, những tình cảm chân thực, xúc động về cuộc đời, về cuộc chiến tranh và những người đồng chí, đồng đội... Thấp thoáng đâu đây, dáng ông ngồi lặng lẽ, trầm ngâm ngẫm nghĩ về những điều còn đọng lại sau chiến tranh”.

Tiếng pháo mừng chiến thắng ở Tổng hành dinh sáng 30/4/1975

Tin toàn thắng bay về Hà Nội sáng 30/4/1975. Ở Tổng hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam, những tràng pháo nổ ran chào mừng chiến thắng.

Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Sài Gòn qua những trang hồi ký

Qua tường thuật của những người đương thời như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Jean Sainteny, không khí ngày Quốc khánh 1945 hiện lên sống động tại Hà Nội và Sài Gòn.

Đỗ Thu

Bạn có thể quan tâm