Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngày 2/9/1945 tại Hà Nội, Sài Gòn qua những trang hồi ký

Qua tường thuật của những người đương thời như Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Jean Sainteny, không khí ngày Quốc khánh 1945 hiện lên sống động tại Hà Nội và Sài Gòn.

Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 được tổ chức tại Vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại Sài Gòn, lễ Độc lập cũng được tổ chức trang trọng (đường Lê Duẩn hiện nay).

Các hồi ký như Những năm tháng không thể nào quên (Võ Nguyên Giáp), Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Jean Sainteny), Hồi ký Trần Huy Liệu, Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Saigon Septembre 45 (Trần Tấn Quốc)... đã ghi lại không khí lễ Độc lập ở Hà Nội và Sài Gòn.

Quoc khanh 2/9 anh 1

Quang cảnh lễ Độc lập tại Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Lễ hội non sông

Thiếu tá tình báo người Pháp Jean Sainteny đã ghi lại không khí lễ Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình trong tác phẩm Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (NXB Công an Nhân dân phát hành) với nhiều chi tiết đáng chú ý.

Theo tác giả, ngày 2/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình nắm chính quyền của Chính phủ Cách mạng Việt Minh. Một cuộc mít tinh lớn trong "Ngày lễ Độc lập" được loan báo từ trước, coi như điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo.

Trên bục gỗ cao dựng lên trong công viên Puginier (sau là Vườn hoa Ba Đình), trước hàng chục nghìn người, một loạt diễn giả đã phát biểu bằng những lời lẽ mạnh mẽ theo các mức độ khác nhau.

"Lần lượt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, long trọng tuyên bố nền Độc lập của Việt Nam [...]

Trật tự trong buổi diễu hành, và nhất là không thấy có những tiếng hò hét phản loạn, thù địch là một trong những biểu hiện rất đáng ghi nhận. Những người diễu hành đi theo đại lộ Brière de l'Isle ngay trước cổng dinh Toàn quyền, và chúng tôi không thấy có một cử chỉ thù địch nào hướng về chúng tôi", trích nội dung cuốn sách.

Quoc khanh 2/9 anh 2

Lễ Độc lập tại Sài Gòn ngày 2/9/1945. Ảnh: TL.

Lễ Độc lập tại Sài Gòn "quang cảnh náo nhiệt"

Trong ghi chép Saigon Septembre 45 xuất bản năm 1947, nhà báo Trần Tấn Quốc tường thuật chi tiết lễ Độc lập diễn ra tại Sài Gòn ngày 2/9/1945:

"Hôm nay, quang cảnh náo nhiệt lạ... Cuộc lễ độc lập cử hành đúng 2 giờ chiều. Mới 12 giờ trưa, dưới Mặt Trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về tập trung sau nhà thờ Đức Bà", tác giả viết.

Theo tường thuật của nhà báo Trần Tấn Quốc, hai giờ chiều, tại đường Blancsubé, chung quanh đô hội, các đoàn thể dân chúng đứng có trật tự theo bốn sư đoàn dân quân cách mạng [...]. Sau bài diễn văn của ông Trần Văn Giàu và những lời thề phụng sự Tổ quốc, cuộc biểu diễn lực lượng dân quân khởi sự.

"Từ đại lộ Cộng Hòa, một tốp đổ xuống đường Bá Lê Công xã (tức Catinat), một tốp quẹo đường Yersin (tức Taberd) đi có trật tự dưới những biểu ngữ giăng ngang đường viết bằng các thứ chữ: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Hoa và Việt: Độc lập hay là chết; L'Indépendance ou la mort; Independence or death; Việt Nam dân chủ muôn năm...", trích nội dung cuốn sách.

Ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc qua ký ức người đương thời

Hôm ấy, Hà Nội rực đỏ màu cờ cùng với đèn, hoa. Biểu ngữ bằng đủ thứ tiếng Việt, Pháp, Hoa, Anh, Nga được giăng khắp các con phố với nội dung “Nước Việt Nam của người Việt Nam".

Trần Ba

Bạn có thể quan tâm