Sau 11 ngày, phái đoàn từ hơn 150 quốc gia đang cố gắng đạt thỏa thuận nhằm khống chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt than đá, dầu và khí đốt, Channel News Asia đưa tin.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thâu đêm vấp phải những bế tắc vốn tồn tại từ hơn hai thập kỷ qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng để thúc giục các nhà đàm phán.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande thảo luận về biến đổi khí hậu ở Paris. Ảnh: AP |
"Chúng ta phải nhắc nhở các nhà đàm phán về lý do khiến họ ngồi ở đây. Họ làm việc không chỉ bởi đất nước họ, mà họ đang tìm giải pháp cho tương lai của hành tinh", ông phát biểu.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, người chủ trì hội nghị, thông báo ông sẽ đệ trình dự thảo mới dựa trên kết quả của những cuộc đàm phán thâu đêm mới nhất. Ông tin rằng khả năng thế giới có hiệp định mới về khí hậu vẫn rất cao dù hội nghị sắp kết thúc.
"Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ hoàn tất hiệp định trong ngày 11/12", ông nói.
Các tổ chức bảo vệ môi trường lo ngại rằng kết quả của hội nghị sẽ không thể giúp nhân loại ngăn đà nóng lên của trái đất do các nước phải thỏa hiệp quá nhiều.
Những hội nghị khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc đều kéo dài hơn so với kế hoạch. Rất có thể kịch bản tương tự sẽ diễn ra với hội nghị tại Paris, nghĩa là các cuộc thương lượng có thể kéo dài tới hai ngày cuối tuần.
Các nhà đàm phán trên khắp thế giới tập trung tại thủ đô của Pháp để tham dự COP21. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu. COP21 nhằm thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới, dự kiến sẽ thông qua Thỏa thuận Paris 2015 và áp dụng từ sau năm 2020 cho tất cả các quốc gia.