Theo báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia (NCA) năm 2014, mực nước biển trên thế giới hiện nay đã tăng khoảng 20 cm so với thời điểm năm 1880. Ảnh: noorimages.com |
"Kim đồng hồ đang chỉ dần hướng về một thời điểm thảm họa khí hậu xảy ra", Tổng thư ký Ban Ki Moon phát biểu ngày 7/12 trước các nhà hoạch định chính sách tham dự hội nghị COP21 đang diễn ra ở Paris. Ông thúc giục xem xét những nội dung trong dự thảo về hiệp định khung toàn diện trước khi nó chính thức có hiệu lực vào năm 2020, qua đó bảo đảm nhân loại đạt được mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu không tăng hơn 2 độ C.
Tổng thư ký Ban nhấn mạnh, các quốc gia phát triển phải đi đầu trong cuộc chiến khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi những quốc gia đang phát triển cũng cần tích cực tham gia vào nỗ lực này.
Ông Ban Ki Moon đề xuất thành lập một cơ chế giám sát hiệu quả với những cam kết của các chính phủ, đồng thời thành lập quỹ để hỗ trợ những nước dễ bị ảnh hưởng nhất vì thiên tai.
Các nhà đàm phán từ 195 nước tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) nhất trí với một dự thảo hôm 5/12 về một hiệp định nhằm cứu nhân loại khỏi thảm họa ấm lên toàn cầu. Mục tiêu của hiệp định mới về chống biến đổi khí hậu sẽ là giảm sự phụ thuộc của thế giới đối với nhiên liệu hóa thạch, giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ hoạt động đốt dầu, than đá và khí đốt khiến nhiệt độ toàn cầu tăng một cách nguy hiểm, AFP đưa tin.
Ngày 5/12, AP cho biết các nhà đàm phán đã đệ trình bản dự thảo của thỏa thuận. Tuy nhiên, văn bản này vẫn có nhiều điều bất đồng. Do vậy, các bộ trưởng phải tiếp tục làm việc trên những nội dung then chốt để giải quyết các khác biệt. Việc thông qua dự thảo khiến dư luận hy vọng những cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ qua sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận lịch sử ở Paris.