Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông qua dự thảo thỏa thuận ngăn biến đổi khí hậu ở COP21

Đại diện của gần 200 nước dự Hội nghị lần 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu ngày 5/12 thống nhất một dự thảo nhằm chung tay cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP21 tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị COP21 tại Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Theo quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, lãnh đạo 195 quốc gia tham gia COP21 tại Paris, Pháp hôm nay thống nhất dự thảo kế hoạch nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu và hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất.

Bản sao của dự thảo hiệp định đã được đăng tải trên trang web. Các bộ trưởng tham dự Hội nghị COP21 tại Paris, Pháp sẽ có một tuần để đàm phán kết quả cuối cùng. 

Dự thảo được thông qua sau 4 năm, kể từ khi vấn đề này được đưa ra năm 2011 tại Durban, Nam Phi. Đây sẽ là cơ sở cho bộ trưởng các nước giải quyết những quan điểm bất đồng trong các cuộc đàm phán vào tuần tới.

"Văn bản phản ánh mong muốn đạt được thỏa thuận của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, các vấn đề chính trị lớn vẫn chưa được giải quyết", Reuters dẫn Laurence Tubiana, đại sứ của Pháp tại COP21, phát biểu.

Các quan chức cấp cao của chính phủ đã ký tắt vào dự thảo văn bản dài 42 trang chỉ vài phút trước thời hạn cuối cùng vào buổi trưa, sau khi làm việc xuyên đêm.

Văn bản đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau, từ mục tiêu dài hạn nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu đến tăng hỗ tài chính cho các quốc gia đang phát triển.

"Chúng tôi hy vọng công việc của chúng ta sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa. Chúng tôi kêu gọi các đối tác lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi để cùng nhau tìm ra giải pháp", đại diện Nam Phi Nozipho Mxakato-Diseko thay mặt hơn 130 quốc gia đang phát triển cho hay.

Thông báo trên được đưa ra vài ngày sau khi các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới tập trung tại thủ đô của Pháp để tham dự COP21. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia tăng cường nỗ lực ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu.

COP21 nhằm thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới, dự kiến sẽ thông qua Thỏa thuận Paris 2015 và áp dụng từ sau năm 2020 cho tất cả các quốc gia.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm