Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biến đổi khí hậu đe dọa vựa lúa của Việt Nam

Tình trạng xâm thực mặn do biến đổi khí hậu đang tác động xấu tới đồng bằng sông Cửu Long, nơi được gọi là "vựa lúa của Việt Nam", khiến nhiều nông dân ly hương.

vav
Hơn 9 triệu hộ gia đình trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng xâm thực mặn trong nhiều năm qua. Ảnh: Christopher Johnson

Đứng giữa những ruộng lúa, Thạch Hải, một nông dân ở tỉnh Sóc Trăng, tỏ ra lo lắng khi thấy lúa trên ruộng chuyển sang màu vàng bất thường. Ông giải thích rằng lúa chuyển màu do nước mặn xâm nhập vào ruộng, DW đưa tin.

“Chắc tôi sẽ mất một phần sản lượng, bởi không thể thu hoạch toàn bộ lúa”, Thạch Hải nói. Ông dự tính giá trị của sản lượng lúa sẽ mất vào khoảng 300 USD, tương đương một nửa thu nhập trong năm.

Câu chuyện của Thạch Hải cũng là tình trạng chung của hơn 9 triệu hộ gia đình trồng lúa trên khắp dồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng đất có tổng diện tích 39.000 km2.

Nước biển dâng – một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu – đang trở thành hiện tượng phổ biến ở những vùng thấp trên hành tinh, khiến lũ lụt xảy ra thường xuyên ở nhiều đô thị. Nó đe dọa những vùng quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực của thế giới, bao gồm vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long – nơi người ta thường gọi là vựa lúa của Việt Nam.

Mỗi năm, đồng bằng sông Cửu Long cung cấp phần lớn tổng sản lượng gần 28 triệu tấn gạo của Việt Nam và gần một nửa trong 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu. Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2013.

Song nhiều quan chức nông nghiệp Việt Nam dự đoán sản lượng lúa của đất nước có thể giảm mạnh trong những năm tới do xâm thực mặn.

Nước mặn đã phá hoại hàng chục nghìn hecta đất tại Sóc Trăng – một trong những tỉnh nghèo nhất thuộc vùng châu thổ sông Mekong. Tim Gorman, một nghiên cứu sinh tiến sĩ nghiên cứu những hậu quả kinh tế và xã hội của biến đổi khí hậu trong khu vực, cho rằng đây là thực trạng đáng buồn đối với Sóc Trăng.

Một trong những vấn đề lớn nhất của Sóc Trăng là vị trí địa lý. Các nhánh của sông Mekong đều chảy qua tỉnh. Sông Hậu – nhánh lớn nhất của sông Mekong – chảy qua rìa phía đông bắc của tỉnh.

Sông Hậu chảy ra Biển Đông, trong khi Biển Đông tiếp giáp rìa phía đông nam của Sóc Trăng. Sự kết hợp của Biển Đông và sông Hậu khiến Sóc Trăng thường xuyên hứng chịu tình trạng nước mặn xâm thực.

“Nước mặn tiếp tục chảy vào những chi lưu và cả những nhánh chính của sông Mekong. Vào nhiều thời điểm trong giai đoạn khô (mùa xuân và mùa đông), nước mặn xâm nhập sâu tới hàng chục km vào đất liền.

Rất ít lựa chọn

Hiện tượng ấm lên toàn cầu đang tạo ra nhiều thay đổi. Mùa khô (đến vào những tháng đầu của năm) trở nên khô hơn. Lượng mưa trung bình giảm đồng nghĩa với việc các bờ sông và suối trong tỉnh Sóc Trăng nhận ít nước ngọt hơn.

Vào năm 2012, nước mặn lấn sâu vào đất liền đến nỗi việc tìm nước ngọt trở nên chật vật hơn.

Rất có thể những đứa con của Hải Thạch sẽ phải tới thành phố để tìm việc
Rất có thể những đứa con của Hải Thạch sẽ phải tới thành phố để tìm việc khi chúng lớn, bởi tình trạng xâm thực mặn ở đồng bằng sông Cửu Long khiến người nông dân sống chật vật với việc trồng lúa. Ảnh: Christopher Johnson

Biến đổi khí hậu gây nên một số vấn đề cho nông dân, đặc biệt hiện tượng nước biển dâng. Nhưng một vấn đề khác là vùng đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ trở thành vựa lúa trong thời gian tương đối gần.

“Khoảng 100 năm trước, nơi đây chỉ là một đầm lầy”, Tim Gorman nói khi ông bước trên bờ đất phân cách hai thửa ruộng lớn.

Nước biển từng nhấn chìm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong một khoảng thời gian của năm. Mãi tới hơn nửa thế kỷ trước, nó mới trở thành vùng trồng lúa.

Trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam, họ xây các kênh và chặt rừng đước để trồng lúa. Người Mỹ tiếp tục công việc của người Pháp trong thập niên 40 và xây các dự án thủy lợi lớn. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, chính phủ Việt Nam tiếp quản các công trình thủy lợi và đẩy mạnh hoạt động sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực do hậu quả chiến tranh, chính phủ thực hiện mọi biện pháp để mở rộng diện tích đất trồng lúa. Chính quyền xây hoặc gia cố kênh, mương, đê, cửa đập trên khắp vùng châu thổ, đẩy nước mặn về biển và dẫn nước ngọt vào ruộng. Nỗ lực phi thường của chính quyền và nhân dân trong nhiều năm đã biến toàn bộ vùng châu thổ thành vựa lúa.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ruộng và đồn điền ven biển đang đối mặt với tình trạng nước biển dâng. Những đê, cửa đập cũ và hỏng đang chống đỡ áp lực nước lớn hơn nhiều so với khả năng của chúng.

“Xâm thực mặn là hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của tình trạng ấm lên toàn cầu, nó đang phá hoại những công trình thủy lợi mà con người xây dựng”, Gorman giải thích. Theo Gorman, cơ sở hạ tầng để ngăn nước biển ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên yếu thế trước hiện tượng xâm thực mặn bởi thủy triều ngày càng cao.

“Mực nước biển hiện nay cao hơn 20 – 30 cm so với vài thập kỷ trước”, ông giải thích.

Nỗ lực của nông dân và chính quyền

Một bộ phận nông dân bắt đầu chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình kinh tế khác để ứng phó với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Nông dân ở nhiều vùng, đặc biệt là Sóc Trăng, đã chuyển sang nuôi tôm. Năm 2013, tổng diện tích đất dành cho nuôi tôm đã lên đến 652.600 ha và mang về cho Việt Nam gần ba tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu.

Tại Sóc Trăng, thu nhập từ nuôi tôm thậm chí còn cao gấp năm lần so với trồng lúa. Tuy nhiên nghề nuôi tôm vẫn ẩn chứa nhiều vấn đề như chi phí đầu tư lớn, nguy cơ rủi ro cao. Mặt khác hóa chất và chất thải từ các đầm tôm cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Vì vậy nhiều nông dân đã phải rời quê và tới các thành phố lớn như Cần Thơ hoặc TP HCM để kiếm việc.

Để tránh nguy cơ mất mùa trên diện rộng tại ĐBSCL, chính quyền các cấp thường thông báo cho nông dân biết những biện pháp cần thực hiện trước mỗi mùa vụ. Chính phủ cũng hỗ trợ nông dân bằng nhiều phương thức khác nhau, như giới thiệu những giống lúa kháng mặn; xây dựng và khôi phục hệ thống đê điều, kênh rạch; thúc đẩy việc thành lập các tổ hợp tác xã để giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn vay cần thiết.

Nhiều tổ chức quốc tế rất quan tâm đến tình hình ĐBSCL. “Tình trạng của người dân ĐBSCL khá nghiêm trọng. Họ phải đối phó với hiện tượng nóng lên, lượng mưa thất thường, thiếu nước ngọt và do đó tăng độ nhiễm mặn. Nhưng vấn đề lớn nhất là họ phải chống chọi nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Họ bắt đầu thấy các cơn bão, lốc xoáy chưa từng xuất hiện ở phía nam trước đây", Roshan Cooke, chuyên gia về khí hậu và môi trường của Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), cho biết.

Từ tháng 5 vừa qua, “Thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL”, dự án mới của IFAD và chính phủ Việt Nam, đã bắt đầu được triển khai nhằm cải thiện tình hình. Trong vòng sáu năm, dự án sẽ đầu tư 53 triệu USD để tăng cường năng lực ứng phó với những biến đổi về khí hậu cho người dân, đặc biệt là nông dân nghèo. Mục tiêu của IFAD là hỗ trợ cho khoảng 125.000 người dân dễ tổn thương bởi biến đổi khí hậu, hướng tới những hộ gia đình do người phụ nữ làm chủ và những hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Bến Tre, Trà Vinh. IFAD cũng đầu tư xây dựng hệ thống đê bao và đập tốt hơn; cải thiện hệ thống kênh mương thủy lợi và cả lĩnh vực khoa học phục vụ dự án.

Đại học Trà Vinh đang thử nghiệm một giống lúa mới có khả năng chịu nhiệt và mặn. Bà Phạm Thị Phương Thúy, phó trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản, Đại học Trà Vinh, nói: “Nếu chúng tôi không nghiên cứu một cách nhanh chóng thì vấn đề an ninh lương thực tại ĐBSCL sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì nếu nông dân không còn trồng lúa, họ sẽ phải xoay cách khác, dẫn đến hậu quả lâu dài là Việt Nam sẽ mất vị trí một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo".

Băng tan ở Tây Tạng và mối nguy đối với Việt Nam

Hàng loạt sông băng trên Cao nguyên Tây Tạng đang tan và thực trạng đó có thể gây nên tác động xấu đối với Việt Nam và nhiều nước châu Á khác.

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm