"Cánh đồng" tuabin gió của tập đoàn London Array tại vùng Biển Bắc. Ảnh: AP |
"Hiện tại, ngân sách của chính phủ cho năng lượng sạch không đủ để đáp ứng các thách thức", Liên minh Năng lượng Đột phá, nhóm gồm 28 nhà đầu tư là các tỷ phú, tuyên bố trên trang web chính thức. Nhóm này cam kết đảm bảo vốn và đầu tư dài hạn trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.
Bill Gates cho hay, các nhà đầu tư muốn áp dụng những ý tưởng mới về nguồn năng lượng sạch vào thực tế. Trong một bài viết trên blog, ông nói rằng, trong khi năng lượng mặt trời và năng lượng gió có thể đáp ứng 50% nhu cầu về năng lượng trên toàn cầu dự kiến vào năm 2050, "chúng ta cũng cần tìm ra những hướng đi mới".
Gates cam kết tài trợ 2 tỷ USD trong 5 năm vào ngành năng lượng sạch, bao gồm một lò phản ứng điện hạt nhân tiên tiến.
Một số gương mặt sáng giá khác cũng sát cánh cùng ông. Mark Zuckerberg, ông chủ mạng xã hội Facebook, ngày càng ưu tiên sử dụng loại năng lượng có thể tái tạo cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ của anh. Jeff Bezos, người sáng lập ra Amazon, tiết lộ những chiếc máy bay không người lái tiết kiệm năng lượng mới có thể giao hàng trong vòng 30 phút.
Ngoài ra, những tên tuổi như nhà từ thiện George Soros, Richard Branson - người sáng lập tập đoàn Virgin Group, Meg Whitman – giám đốc điều hành của Hewlett Packard, nhà hoạt động khí hậu Tom Steyer, Jack Ma – chủ tịch tập đoàn Alibaba, Ratan Tata – người sáng lập tập đoàn Tata Group cũng là thành viên của nhóm.
Họ sẽ làm việc với 20 quốc gia đã cam kết vào hôm 30/11, như một phần của “Sứ mệnh Đổi mới”, nhằm tăng gấp đôi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch (khoảng 20 tỷ USD) trong 5 năm.
Andrew Sterr, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Viện Tài nguyên Thế giới, tuyên bố, thông báo của nhóm này đã tác động rất lớn trong việc thúc đẩy các giải pháp tại hội nghị tại Paris.
Tuy nhiên, những gì mà các nhà khoa học mong mỏi còn lớn hơn vậy, đặc biệt là việc thay thế các loại nhiên liệu như than, dầu và khí đốt. Trên thực tế, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết để có thể hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 2 độ C, thế giới cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo từ 270 tỷ USD trong năm 2014 đến 400 tỷ USD vào năm 2030.
Hiện tại, nguồn vốn đang giảm. Trong cuộc hội đàm của Liên Hợp Quốc diễn ra trước đó, các nước phát triển cam kết sẽ chi 100 tỷ USD mỗi năm từ 2020 nhằm giúp các nước nghèo trong việc sử dụng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Liên minh Năng lượng Đột phá không phải là câu lạc bộ tỷ phú đầu tiên cố gắng bù đắp thiếu hụt tài chính. Một số nhóm như Cleantech Syndicate cũng chung tay vào dự án chống biến đổi khí hậu.
Nhóm này nói rằng, họ không biết những ý tưởng tốt nhất sẽ đến từ đâu. Vì vậy, nhóm sẽ đầu tư trên nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp và giao thông vận tải.
Nhà Trắng cho biết, "những bước tiến đáng kinh ngạc" đã được thực hiện để giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch. Kết quả, trong 7 năm qua, lượng quang năng và phong năng do Mỹ sản xuất đã tăng gấp 20 lần.
Mark Z. Jacobson, kỹ sư của Đại học Standford, chỉ ra rằng, những nguồn năng lượng có thể tái tạo như năng lượng mặt trời và gió có thể cung cấp năng lượng cho cả thế giới vào năm 2050.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra kém lạc quan. Jeffrey D. Sachs, chuyên gia kinh tế của Đại học Columbia, nhận định, công nghệ hiện tại không đủ khả năng hoàn thành quá trình chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Chúng cần được cải tiến và hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu chung.